Thương mại điện tử và hệ thống phân phối lớn tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang

Vừa qua, tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, đồng loạt các Sàn thương mại điện tử lớn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tập trung vào thị trường trong nước.

Từ tháng 5 năm 2021, tỉnh Bắc Giang là địa phương đầu tiên ghi nhận sự trở lại của dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong các khu công nghiệp. Dịch bệnh tấn công liên tục vào các khu công nghiệp trọng điểm trong nhiều tháng làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng hàng hoá, đối mặt với nguy cơ lớn đứt gãy chuỗi sản xuất. Sau khi tiến hành xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, tỉnh phát hiện hàng trăm ca nhiễm Sars-CoV-2 tại các cụm công nghiệp trọng điểm. Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước thời điểm đó. Theo chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Anh Dương trước diễn biến khó lường, Bắc Giang buộc phải thực hiện biện pháp phong toả khu công nghiệp, đồng thời cách ly xã hội tránh lây lan dịch bệnh sang địa phương khác, việc làm này là vô cùng khó khăn gây thiệt hại rất lớn.

Tại thời điểm đó, một sản lượng lớn vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang tới vụ thu hoạch, theo UBND tỉnh Bắc Giang, tổng sản lượng vải thiều của toàn tỉnh lên đến hơn 215.000 tấn (sản lượng lớn nhất từ trước đến nay) đã trở thành nỗi lo lớn, niềm trăn trở của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân toàn tỉnh. Nhưng với sự chủ động ứng biến kịp thời của Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng sự chung tay hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, và nỗ lực của các doanh nghiệp, hộ nông dân mùa vải vừa qua đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, vải thiều Bắc Giang vừa được mùa, vừa được giá với doanh thu ước tính 6.800 tỷ đồng.

Bên cạnh hệ thống phân phối lớn như các Siêu thị Saigon Coop, M&M, Aeon, BigC/Go, Vinmart . . . góp một phần vào kết quả đó có thể kể đến sự vào cuộc nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart và các đối tác cùng triển khai Chương trình “Chung tay ủng hộ vải Bắc Giang” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp cùng Sở Công Thương Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang, Tỉnh đoàn Bắc Giang và sự đồng hành của 6 Sàn thương mại điện tử lớn, và đặc biệt lần đầu tiên sự kết hợp giữa Sàn thương mại điện tử và các siêu thị lớn đã nâng tầm trải nghiệm mua sắm, trở thành tiền đề quan trọng cho các chương trình sau này. Thông qua thương mại điện tử, chương trình đã tiêu thụ hơn 9.000 tấn vải thiều với khoảng 1 triệu đơn đặt hàng đã được phân phối và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Sendo, Voso, Tiki và Postmart.

Tại thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trên cả nước cũng như tại tỉnh Bắc Giang, một loạt những sản phẩm nông sản tới vụ thu hoạch như Cam, khoảng 48.000 tấn; Bưởi, khoảng 36.000 tấn; Na, khoảng 4.000 tấn; thịt lợn, khoảng 838.000 con; thịt gà, khoảng 18 triệu con và các nông sản chủ lực, đặc trưng khác đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, GlobalGap. Nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm Cam, Bưởi, Na, thịt lợn, thịt gà và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm quảng bá, giới thiệu các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường những tháng cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và thời gian tới tại thị trường trong nước và xuất khẩu; gắn với giới thiệu tiềm năng du lịch, lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh.

Hội nghị xác định trọng tâm lần này là tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp bên cạnh kênh tiêu thụ truyền thống thì cần tập trung, phát huy hiệu quả của kênh tiêu thụ hiện đại, đẩy mạnh phân phối thông qua thương mại điện tử. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang, các Bộ, Sở ban ngành từ trung ương tới địa phương và sự đồng hành của các Sàn thương mại điện tử lớn, các siêu thị lớn trên khắp các tỉnh thành phố cả nước với nhiều chương trình và hình thức khác nhau có gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng một số đại biểu thăm gian hàng trưng bày nông sản tại huyện Lục Ngạn (Ảnh: Baobacgiang.com.vn)

Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Cam, Bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ nông sản tỉnh Bắc Giang giữa Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang với các Sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Postmart, Shopee (Farm) tại đầu cầu Hà Nội và Bắc Giang nhằm khởi động Chương trình tổ chức phân phối các nông sản tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang trên các Sàn thương mại điện tử lớn cũng như các kênh trực tuyến khác.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ nông sản tỉnh Bắc Giang giữa Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang với các Sàn thương mại điện tử

Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trong điều hiện diễn biến phức tạp của tình hình Covid-19 hiện nay, việc lưu thông, xuất khẩu nông sản, đặc sản, trái cây đang gặp phải một số khó khăn nhất định thì việc đẩy mạnh phân phối nông sản trên các Sàn thương mại điện tử là một giải pháp vô cùng hiệu quả và kịp thời. Từ những ngày đầu năm 2021 đến nay, các sàn thương mại điện tử cũng như các doanh nghiệp logistics đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản của bà con nông dân Sóc Trăng, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hà Giang, Hòa Bình… và nhiều địa phương khác.

Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng hy vọng, thông qua sàn thương mại điện tử Postmart và các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, phương thức bán hàng mới sẽ góp phần thay đổi thói quen, nhận thức cũng như phương pháp sản xuất, ý thức về sản xuất nông nghiệp sạch, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất là lượng cho các sản phẩm nông nghiệp nông thôn.

Đại diện sàn thương mại điện tử Sendo cho biết, chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn do Sendo phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức vào tháng 6/2021 đã đạt sản lượng 130 tấn chỉ sau 5 ngày là một thành công vượt mong đợi. Bên cạnh đó, một thành công còn quan trọng hơn là kinh nghiệm đúc kết từ chiến dịch chương trình triển khai thành công nhất thiết phải có sự hợp tác và ủng hộ của bản thân các HTX và bà con nông dân tại địa phương. Chiến dịch Vải thiều Lục Ngạn là lần đầu tiên Sendo áp dụng hình thức cho người nông dân trực tiếp livestream giới thiệu sản phẩm tại vườn và đã lập tức gây được tiếng vang, nhận được ủng hộ của người tiêu dùng cả nước. Thêm vào đó, quy trình đóng gói vận chuyển cũng đã được cải tiến rất nhiều so với trước để nông sản đến tay khách ngày càng nhanh và tươi xanh hơn, ngay cả trong bối cảnh bình thường mới.

Chương trình lần này, Sendo quay lại Bắc Giang với mục tiêu còn cao hơn trước về cả chủng loại hàng hóa và sản lượng bán ra. Bên cạnh các hoa quả Na, Cam, Bưởi với mục tiêu chục tấn mỗi loại, Sendo cũng sẽ có lần đầu tiên thử nghiệm xúc tiến tiêu thụ thịt lợn và gà trực tiếp từ vùng sản xuất. Với kinh nghiệm đã có cộng với sự ủng hộ của ban ngành địa phương, Sendo tự tin với mục tiêu lần này.

ShopeeFarm đã ghi nhận một kết quả đáng kể về lượng đơn đặt hàng thông qua nền tảng thương mại điện tử Shopee, đơn vị đã đồng hành cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số từ chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Shopee cam kết hỗ trợ, tư vấn bà con nông dân tỉnh Bắc Giang tham gia hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả từ các kỹ năng vận hành, sàng lọc, đóng gói hàng hoá theo quy chuẩn và chất lượng sản phẩm được đảm bảo, tận dụng được phương thức giao hàng hiện đại, học hỏi cách thức truyền thông và mở ra cơ hội tiếp cậ với các đối tác trong và ngoài nước; Shopee cung cấp các chương trình ưu đãi giảm giá, miễn phí vận chuyển tại các sự kiện mua sắm lớn. Thời gian tới, ShopeeFarm sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để mở rộng triển khai chương trình, không chỉ tập trung đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá mặt hàng nông sản theo mùa mà còn hỗ trợ nông dân nghiên cứu, chuyển đổi các nông sản mùa vụ sang tiêu thụ quanh năm như trái cây cấp đông, sản phẩm sấy dẻo chế phẩm từ nông sản tươi.

Thời gian qua, Lazada cũng là một trong các sàn thương mại điện tử tích cực phối hợp cùng các cơ quan của Bộ Công Thương như Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến Thương mại và các Sở Công Thương các tỉnh trong việc kết nối, hỗ trợ đưa nông sản Việt lên môi trường số. Đại diện Lazada tin tưởng rằng các hoạt động này sẽ tạo đà để doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và bà người nông dân làm quen với mô hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, giúp họ đa dạng hóa kênh bán hàng, đồng thời tạo tiền đề cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh nhiều mặt hàng khác. Để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả cho hoạt động này trong thời gian tới, các sàn rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để có thể tiếp tục hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Sàn thương mại điện tử Tiki với những chiến dịch thúc đẩy tiêu thụ nông sản sắp tới của Bắc Giang bao gồm cả ngành hàng thực phẩm tươi sống TikiNgon sẽ áp dụng mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn”. Theo đó, Tiki sẽ trực tiếp làm việc với người nông dân, thu mua và mở bán thông qua Tiki Trading. Đại diện Tiki nhấn mạnh để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản trực tuyến, sự đồng hành, hỗ trợ từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các Bộ ban ngành liên quan là vô cùng quan trọng, từ việc truyền thông rộng rãi trên khắp các phương tiện thông tin, việc kết nối với nhà vườn, hợp tác xã có sản lượng chất lượng cao đã mang lại tối đa lợi ích cho cả khách hàng và người nông dân.

Với những nỗ lực và chung tay của các Bộ, Sở ban ngành từ trung ương đến địa phương, sự đồng hành của các Sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nông sản và các mặt hàng chủ lực tính Bắc Giang nói riêng cũng như mặt hàng nông sản cả nước nói chung sẽ tiếp tục lấy lại được vị thế tại thị trường trong nước, từ đó ổn định đầu ra, tạo nguồn thu nhập ổn định giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, nuôi trồng, từ đó giúp nông sản Việt tiếp cận phương thức phân phối mới bên cạnh phương thức phân phối truyền thống không chỉ trong đại dịch Covid-19 mà còn vững tiến trên con đường cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số.

Liên hệ kết nối doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt:

Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Điện thoại hỗ trợ: 0989052055

Email: hangvietonline@moit.gov.vn

Website: www.tuhaoviet.vn

Bình luận của bạn