Trà Vinh: Sản phẩm vùng dân tộc được ưa chuộng trên sàn thương mại điện tử
Nhờ các nền tảng thương mại điện tử, nhiều sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được tiêu thụ tương đối tốt.
Đa dạng sản phẩm của bà con dân tộc
Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số khoảng hơn 1 triệu dân, trong đó có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chiếm khoảng 32% dân số. Tỉnh Trà Vinh thuộc khu vực miền Tây có lợi thế về nông nghiệp, các loại như là nông sản, thủy sản, cây trái và các sản phẩm phát triển từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Ông Phạm Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh hiện nay rất chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng về thủ công mỹ nghệ truyền thống của vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, để nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã tập trung phát triển thương mại điện tử, tập trung vào các nội dung.
Thứ nhất, phát triển các sàn thương mại điện tử Trà Vinh tại địa chỉ tại travinhtrade.com.vn. Hiện nay các trang thông tin, sàn thương mại điện tử của Trà Vinh cập nhật hơn 150 doanh nghiệp và hơn 750 sản phẩm các loại gồm hàng trăm sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và 300 sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng đang triển khai liên kết các sàn giao dịch giữa các tỉnh, trong đó đã liên kết được 18 tỉnh trong khu vực của miền Đông và miền Tây như Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… để hỗ trợ công tác cho doanh nghiệp trong kết nối cung cầu và tìm kiếm thị trường hàng hóa.
Ngoài hoạt động kết nối cung cầu, Trà Vinh còn đẩy mạnh tham gia các gian hàng trực tuyến như là các gian hàng của Lazada, Tiki, TikTokshop… Hiện nay Trà Vinh cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP 3-4 sao tại các nền tảng này.
Đồng thời, Trà Vinh đang hỗ trợ các sản phẩm OCOP 5 sao tham gia các gian hàng của các sàn thương mại điện tử quốc tế. Các chương trình đã hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã trong tỉnh có những kiến thức cũng như là ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.
“Thời gian qua, hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương trên các kênh thương mại điện tử cũng đã giúp quá trình sản xuất kinh doanh giảm sự phụ thuộc vào các kênh truyền thống. Doanh số tăng dần từng năm, góp phần tạo thu nhập ổn định cho bà con” - ông Phạm Thành Nam chia sẻ.
Vượt qua khó khăn
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác tiêu thụ nông sản của bà con vùng dân tộc, ông Phạm Thành Nam cho biết, các doanh nghiệp tại Trà Vinh hiện nay đa phần là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số doanh nghiệp còn rất thấp.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo tập huấn thương mại điện tử, dù đã được chú trọng quan tâm nhưng các doanh nghiệp địa phương chưa rành và chưa quan tâm nhiều đến mức độ có thể vận hành, thực hiện tốt.
Ngoài ra, sản phẩm ra thị trường về mẫu mã, bao bì của tỉnh hiện nay chưa được bắt mắt và chưa đạt tiêu chuẩn. Sản phẩm làm ra không được đồng chất với nhau, có khi chất lượng chưa hài hoà, đồng đều, thì khi tham gia thị trường vẫn còn một số cản trở.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp địa phương cũng gặp một số khó khăn về chi phí đăng kí tham gia hoạt động thương mại điện tử. Cách thức quản lý và thực hiện đăng tải sản phẩm lên cũng như kỹ năng livestream của các doanh nghiệp địa phương rất hạn chế, còn yếu, chưa thực hiện được trong khâu bán hàng trực tuyến. Đồng thời, các doanh nghiệp còn chưa chủ động trong việc khai thác kênh phân phối, chủ yếu đi vào thị trường truyền thống.
Để khắc phục những khó khăn này, thời gian qua, Sở Công Thương Trà Vinh đã tham mưu cho UBND tỉnh định hướng cho công tác phát triển thương mại điện tử, Trà Vinh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là xây dựng hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp cũng như là các hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, đưa thương mại điện tử trở thành kênh phổ biến cũng như góp phần nâng cao chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh).
Thứ hai là để thương mại điện tử triển khai rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp và định hướng cho các doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu.
Thứ ba là nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý địa phương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp với vai trò và lợi ích cũng như là kỹ năng về ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh và đời sống.
Bên cạnh những định hướng chung của UBND tỉnh Trà Vinh, Sở Công Thương Trà Vinh cũng đã đưa ra được một số giải pháp, hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương trong việc ứng dụng thương mại điện tử như duy trì sàn thương mại điện tử, tiếp tục nâng cấp để hỗ trợ bán hàng trực tuyến, kinh doanh online cho các doanh nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp định hướng sản phẩm, chủ yếu là nông sản của địa phương được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Các thông tin, các cam kết về thương mại điện tử trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết. Tổ chức các chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, xây dựng các mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung cấp về thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng các phương pháp công nghệ và quy trình truy xuất nguồn gốc để đáp ứng cho sản xuất sản phẩm nông sản xanh. Ngoài ra, đẩy mạnh giải pháp thanh toán thông minh, không dùng tiền mặt qua các điểm giao dịch.
Ông Phạm Thành Nam chia sẻ thêm, hiện bà con nông dân, bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Trà Vinh chuyên sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần hỗ trợ cho bà con liên kết với các sàn thương mại điện tử để giúp bà con bà con nông dân sản xuất nông nghiệp được đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử kết nối, quảng bá, giới thiệu, thêm 1 kênh phân phối mới cũng như mở rộng thị trường trong nước, quốc tế, hướng tới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các nền tảng số cũng như là cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ nông dân về thị trường, dự báo cung cầu, năng lực sản xuất thông tin thời vụ. Từ đó góp phần giúp địa phương trong việc thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn.