Từ chuyện XTTM vào thị trường EVFTA, nghĩ về thương mại điện tử
Không phải doanh nghiệp nào cũng như Vinamit có thể tham gia tất cả những kỳ Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Anuga tại CHLB Đức và Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm tại Pháp
Những gợi mở ban đầu
Tiếp cận thị trường EVFTA, câu hỏi thường trực nhất với doanh nghiệp nước ta là hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nên phổ cập vào 27 nền kinh tế hay lựa chọn một số nền kinh tế để tập trung đi sâu vào những thị trường này?
Với những doanh nghiệp lớn như Thủy sản Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương có thể đều đặn tham Hội chợ thủy sản châu Âu tổ chức hàng năm tại Brussels, Vương quốc Bỉ;
Hay Công ty CP Vinamit, Long Sơn Group có thể tham gia tất cả những kỳ Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Anuga tại CHLB Đức vào các năm lẻ và Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm tại Pháp vào các năm chẵn.
Kế đến là các doanh nghiệp đã từng xuất khẩu vào EU, họ cũng dễ dàng tìm đến những địa chỉ để tập trung quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính ở mức trung bình, lại chưa từng xuất khẩu vào thị trường này thì câu hỏi phổ cập hay tập trung vẫn luôn là thường trực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên tập trung quảng bá hình ảnh, sản phẩm ở một hoặc một vài thị trường được coi là cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và Bỉ.
Mới đây, Cục XTTM cũng đưa ra những nghiên cứu mang tính gợi mở. Trong Báo cáo “Kế hoạch hoạt động XTTM 2020-2025”, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng rà soát, đánh giá và khuyến nghị 10 ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường EU.
Đó là nhóm nông sản thực phẩm, gồm 6 mặt hàng: thủy sản, trái cây tươi, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su); nhóm công nghiệp chế biến với 3 mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và nhóm điện tử.
Báo cáo này trích dẫn số liệu tham khảo tiềm năng xuất khẩu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), một cơ quan thuộc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ước tính thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác.
Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35%-60% chưa khai thác; nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35%-90%, tuỳ theo sản phẩm cụ thể.
Hai điều cần thay đổi
Điều đó cho thấy dư địa của những ngành hàng nói trên còn rất lớn. Tuy nhiên, theo Cục XTTM, có 2 việc cần thay đổi trong hoạt động này là cách tiếp cận và phương thức XTTM.
Trước hết, cần thay đổi cách nhìn nhận về những yêu cầu mới được đưa ra theo EVFTA cho thị trường EU. Theo Cục Xúc tiến thương mại không nên xem đó là hàng rào thương mại mà chính cánh cửa mở ra sự bảo đảm cho phát triển sản xuất, xuất khẩu bền vững của Việt Nam.
Nông sản hữu cơ Việt Nam tại một chợ đầu mối của Pháp
Quan hệ thương mại song phương bình đẳng và bền vững phải được xây dựng trên sự tôn trọng, hợp tác và minh bạch.
Qua các kỳ hội chợ thủy sản Brussels, Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm ở Đức, ở Pháp rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạt điều, cà phê, hồ tiêu, trái cây, mật ong, cá tra, cá ngừ, tôm sú, tôm thẻ… của ta vượt qua hàng rào kỹ thuật vào châu Âu dù chưa được ưu đãi thuế.
Sắp tới khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế sẽ giảm, tính cạnh tranh của hàng Việt Nam cao hơn, nhưng con đường đi chắc chắn không có gì khác với những doanh nghiệp đã từng xuất khẩu vào EU trước đây: vẫn phải vượt qua hàng rào kỹ thuật. Đây là con đường xuất khẩu bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Điều cần thay đổi thứ hai, theo cục XTTM là đa dạng hoạt động, kết hợp XTTM truyền thống với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong marketing xuất khẩu và thương mại điện tử (TMĐT).
Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling đã thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 với các nội dung chính gồm: Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua TMĐT; Chương trình phát triển thương hiệu trên TMĐT; Chương trình đào tạo TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã thành công với việc xây dựng thương hiệu hay xuất khẩu trên công cụ mới là TMĐT. Công ty CP Bánh kẹo Hữu Nghị là một ví dụ điển hình.
Qua thông tin giới thiệu trên mạng, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Bánh kẹo Hữu Nghị để đặt hàng, và sản phẩm của Công ty theo cách này đã tới tay người tiêu dùng Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Nhật Bản, Úc…
Ngoài ra, Tân Hiệp Phát, Nhựa Đông Á, Kềm Nghĩa, Viglacera, Habeco... cũng tích cực tham gia sàn TMĐT. Sau khi xây dựng hình ảnh trên sàn TMĐT, Tân Hiệp Phát đã có những đơn hàng từ EU Mỹ, Cộng hòa Czech, Canada, Hàn Quốc, Singapore.
Có khoảng 80% doanh thu của các công ty Secoin (vật liệu xây dựng), Safe Seafood (thủy, hải sản đông lạnh), Visimex (quế, hồi, hạt tiêu, sắn, mật ong, hành, tỏi...) có được từ việc xuất hàng qua TMĐT. 60% doanh số xuất khẩu của Công ty Gepimex 404 (lương khô) đến được Trung Quốc, các nước Trung Đông và châu Âu cũng nhờ ứng dụng TMĐT...
Những hoạt động trên cho thấy, dù TMĐT không thay thế cho quảng bá sản phẩm theo cách truyền thống, nhưng đó là con đường thứ hai đang được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng.
Con đường này chứng minh được tính hữu dụng khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra thời gian qua.
Nhưng quan trọng hơn, thương mại điện tử là xu hướng trong tương lai với 3 ưu điểm: chi phí rẻ, tương thích với mọi loại hình doanh nghiệp, và phù hợp với giới trẻ - lực lượng tiêu dùng tiên phong trong khám phá và ứng dụng những công nghệ mới.