Ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá và tiêu thụ Vải thiều sớm Tân Yên, Bắc Giang

Vụ vải thiều sớm Tân Yên năm 2024 hứa hẹn mang đến một mùa thu hoạch bội thu với sản lượng dự kiến đạt 15.000 tấn. Nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, vừa qua, tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Tân Yên đã tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Tân Yên; doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và một số chủ vườn trồng vải. Tại Chương trình, UBND huyện Tân Yên đã giới thiệu về sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên, tiềm năng xuất khẩu, đồng thời ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều với các doanh nghiệp.

Hàng năm đến vụ vải thiều, huyện Tân Yên (Bắc Giang) là một trong những nơi có vải thiều chín sớm nhất cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Diện tích vải thiều sớm Tân Yên đạt khoảng 1.250 ha, dự kiến sản lượng ước đạt 15.000 tấn.  Năm 2024, tuy thời tiết có phần bất lợi ảnh hưởng đến năng suất, nhưng chất lượng vải thiều vẫn được đánh giá cao. Vải thiều sớm Tân Yên được trồng trên những đồi núi bazơ, với khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt, tạo nên hương vị thơm ngon, ngọt ngào đặc trưng. Vải có vỏ mỏng, màu đỏ tươi, cùi dày, mọng nước, vị ngọt thanh và có chút chua dịu. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 22/5, dự kiến kéo dài đến ngày 20/6/2024.

(Ảnh: Khai mạc hội nghị tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang)

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác dự báo tình hình, quản lý, giám sát chặt chẽ 27 mã vùng trồng vải thiều, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chuẩn hóa mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục vụ tiêu thụ vải thiều trên địa bàn một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chủ động kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và kênh thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng trực tuyến, mạng xã hội... Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện và tạo thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.

Vụ vải năm 2024, vải thiều xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ , EU. Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc. Thị trường nội địa tiêu thụ chủ yếu tại các chợ đầu mối, các kênh siêu thị tại các thành phố lớn và trên các nền tảng Thương mại điện tử như: Sendo/SendoFarm, Buudien.vn, Lazada, Shopee...

(Ảnh: Chuyên gia nước ngoài khảo sát vườn vải tại Tân Yên, tỉnh Bắc Giang)

Cũng tại Chương trình Hội nghị, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện và Kinh tế số, Bộ Công Thương thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm vải sớm Tân Yên trên nền tảng mạng xã hội TikTokshop ngay tại Hội nghị và tại vườn vải của gia đình ông Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa.

Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã giới thiệu về chương trình kết nối, tiềm năng và chất lượng vải thiều Tân Yên, kết nối với các doanh nghiệp, thương nhân và người tiêu dùng đồng thời tại vườn vải gia đình ông Ngô Văn Cường, phiên livestream cũng trực tiếp phát hình ảnh những trái vải thiều chín đỏ, tươi ngon, quy trình thu hoạch và sơ chế chuẩn an toàn, tạo niềm tin và thu hút người tiêu dùng. 

(Ảnh: Các bạn trẻ livestream TikTok tại vườn vải)

Đáng chú ý tại buổi livestream đã thu hút hơn 130.000 người theo dõi, kết quả này cho thấy người tiêu dùng trên cả nước đang mong sớm được thưởng thức quả vải thiều chín thơm đầu mùa đến từ mảnh đất Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. 

Hình thức livestream bán hàng trên thương mại điện tử và công nghệ số trong vài năm gần đây đã tạo thành làn sóng thay đổi cách thức bán hàng tại Việt Nam. Hình thức này giúp loại bỏ được các khâu trung gian, đưa các sản phẩm từ nhà vườn đến tận tay người tiêu dùng. Nhà vườn nhờ vậy sẽ có lợi nhuận tốt hơn, còn người dùng cũng được mua hàng tận gốc với giá cả hợp lý. Đây là một hoạt động sáng tạo, hiệu quả, góp phần nâng tầm kết nối và mở rộng thị trường cho sản phẩm vải thiều đặc sản của Tân Yên.

Chương trình kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên năm 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều sớm Tân Yên trong và ngoài nước; Nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, đây là cơ hội tốt để người dân Tân Yên giới thiệu thương hiệu vải thiều Tân Yên đến với người tiêu dùng.

Thời gian tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình, hoạt động, sự kiện hỗ trợ quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp Việt trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội.

 

Bình luận của bạn