Xuất khẩu sang một số thị trường ASEAN tăng trưởng khá
ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như khoảng cách địa lý gần gũi, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Myanmar, Brunei có mức tăng trưởng dương, trong đó hai thị trường đáng chú ý là Thái Lan và Singapore.
Thái Lan
Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi cho biết, trong 02 tháng đầu năm 2023, tuy tổng kim ngạch thương mại song phương giảm nhẹ 6% (chủ yếu do giảm kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam), xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Những mặt hàng xuất khẩu trong nhóm hàng chế biến, chế tạo đạt giá trị và mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất (đạt 801 triệu USD, tăng 17,8%) bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (đạt 197,2 triệu USD, tăng 80%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 118,6 triệu USD, tăng 30%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 95 triệu USD, tăng 6,3%).
Đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng, mặt hàng sắt thép các loại chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất (đạt 58,3%, tăng 40%). Trong nhóm nhiên liệu, khoáng sản, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất khẩu dầu thô lượng khá lớn sang Thái Lan, đạt giá trị 122,5 triệu USD, tăng 9%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 1,8 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Thái Lan giảm gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 135,2 triệu USD, giảm 10,9%); Linh kiện, phụ tùng ô tô (đạt 117,3 triệu USD, giảm 12,1%)...
Singapore
Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore cũng như kim ngạch từng chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 1,49 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 677,7 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Singapore nằm trong nhóm chế biến, chế tạo.
Cụ thể: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 144,3 triệu USD, tăng 8,4%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 121,9 triệu USD, tăng 27,65%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 81,4 triệu USD, tăng 47,2%); Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (đạt 67,2 triệu USD, giảm 10,8%); Điện thoại các loại và linh kiện (đạt 41,5 triệu USD, tăng 13,1%).
Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng khác chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore 2 tháng đầu năm (xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản đạt 38,25 triệu USD, tăng 129,5%; xuất khẩu nông, thủy sản đạt 31,2 triệu USD, tăng 12,4%; xuất khẩu vật liệu xây dựng đạt 15,1 triệu USD, giảm gần 74%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Singapore đạt 812,6 triệu USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Singapore bao gồm: Xăng dầu các loại (đạt 387,6 triệu USD, tăng 203,9%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 65,4 triệu USD, giảm 29,5%); Sản phẩm khác từ dầu mỏ (đạt 61,1 triệu USD, tăng 6,7%); Chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh (đạt 57,3 triệu USD, tăng 1,85%).
ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như khoảng cách địa lý gần gũi, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng; trong ASEAN có Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA), giữa Việt Nam và một số nước thành viên ASEAN có các thỏa thuận song phương tạo thuận lợi cho thương mại.