Hàng Việt về nông thôn: Gập ghềnh chiếm lĩnh những vùng quê
Tâm lý thích mua hàng giá rẻ của nhiều người dân khu vực nông thôn, cộng với độ phủ sóng hàng Việt còn thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái tung hoành ở nhiều nơi.
Biết hàng kém chất lượng vẫn phải mua?
Chờ Vồi, huyện Thường Tín (Hà Nội), chỉ nằm cách trung tâm thủ đô chừng 20km, đây cũng là một khu chợ dân sinh buôn bán khá sầm uất và quen thuộc của người dân quanh vùng.
Trong chợ có hơn một chục sạp hàng tạp hóa, bày bán đủ loại, từ hàng tiêu dùng thiết yếu như quần, áo, giày dép, dầu gội đầu, mỹ phẩm đến bánh kẹo...
Quan sát cảnh mua bán tại chợ có thể thấy, đa phần người mua đều không xem kỹ hàng hóa, mà chỉ quan tâm giá cả sản phẩm là bao nhiêu, mặc cả xong là mua và ít ai biết rằng mình có thể mua phải hàng giả.
Tại sạp bán bánh kẹo, sau khi hỏi giá rất nhanh, chị Nguyễn Phương Lan, một người dân xã Tự Nhiên đã chọn cho mình 1 túi quẩy (loại 2 kg) với giá 30.000 đồng và một dây dầu gội đầu nhãn hiệu Clear, theo chị mua bánh cân thường rẻ, lại được nhiều và dầu gội đầu kiểu này cũng thuận tiện khi đi xa.
Nhưng khi được hỏi về cách phân biệt hàng giả, hàng nhái thì bản thân chị đều lắc đầu và cho rằng, chị đã mua ở cửa hàng này nhiều năm, người bán cũng đều là người dân trong làng nên dễ tin nhau.
Tìm theo địa chỉ ghi trên nhãn mác, chúng tôi quay về xã La Phù (huyện Hoài Đức), nơi được coi là kinh đô bánh kẹo của miền Bắc. Dọc hai bên đường vào làng là các cửa hiệu, đại lý san sát, hàng hóa được chất đống ngổn ngang, cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp.
Hàng hóa ở La Phù cũng rất đa dạng về mẫu mã lẫn hình thức, không thua kém hàng ngoại nhập, đa phần là hàng công ty, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được các đại lý niêm yết giá một cách công khai.
Tuy nhiên, với những hàng hóa loại bán cân, đóng gói theo từng bao nilon thì để tìm được nơi sản xuất là rất khó khăn, vì ở La Phù có tới hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhiều trong số đó cũng chỉ làm gia công, theo đơn đặt hàng.
Trao đổi với chủ một quầy phân phối bánh kẹo có tên Đức Long, ông này cho biết, hàng hóa bán ra thị trường mà không ghi xuất xứ thì người tiêu dùng sẽ không mua. Tuy nhiên, khi hỏi về nhãn mác trên một số loại bánh kẹo đóng trong các bao nilon bán cân mà cửa hàng đang bày bán thì vị này chỉ trả lời chung chung là của La Phù, còn địa chỉ thực và số điện thoại không liên lạc được.
Có thể thấy, với thị trường nông thôn, hàng giả, hàng nhái vẫn còn tràn lan trong các cửa hàng nhỏ lẻ, kể cả những phương tiện như xe đạp, xe kéo cũng được chưng dụng để buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Nhiều mặt hàng tưởng chừng rất đơn giản, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như: dầu gội đầu, bột giặt, giấy ăn, bánh kẹo… đến những mặt hàng có giá trị cao hơn như đồ gia dụng, xoong nồi… cũng gần như không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đang lũng đoạn tại nhiều nơi nhất là vùng sâu, vùng xa.
Độ bao phủ hàng Việt còn thấp
Từ đầu năm 2015 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp ngành thương mại thành phố đã tổ chức 30 phiên chợ Việt và 120 chuyến bán hàng lưu động tại 12 huyện và các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Quang Minh, Phú Nghĩa.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình không nhiều và hầu hết các phiên chợ Việt vẫn do Hapro tổ chức. Theo bà Trương Thị Thạch, Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội, có tình trạng này là do chi phí vận chuyển hàng hóa, phục vụ việc tổ chức bán hàng tại các phiên chợ Việt khá cao nên nhiều doanhn nghiệp thường không có lãi.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng tại khu vực ngoại thành có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ với sản phẩm không có nguồn gốc, hàng nhái… do tư thương, tiểu thương đóng trên địa bàn đưa vào lưu thông. Điều này ảnh hưởng đến quyết định tiêu thụ sản phẩm của người dân, dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp tổ chức phiên chợ Việt giảm.
Một góc độ khác, được ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội chỉ ra rằng, bên cạnh yếu tố giá cả rẻ là mua thì việc thiếu kênh phân phối vững chắc để đưa hàng Việt về chiếm lĩnh thị trường cũng là nguyên nhân chính khiến hàng nhái, hàng giả có cơ hội tung hoành tại các vùng nông thôn.
Theo vị lãnh đạo Hiệp hội siêu thị Hà Nội thì hàng Việt dù đã cải tiến nhưng còn đơn điệu, thiếu đa dạng và do vậy đã để thị phần của hàng nước ngoài lấn lướt.
"Cũng là nguyên liệu Việt Nam nhưng tại một số siêu thị của nước ngoài, người ta có thể làm ra hàng trăm món khác nhau và thu hút được rất đông người tiêu dùng, đây cũng là điều mà doanh nghiệp trong nước phải ngẫm nghĩ," ông Phú nói.
Đến thời điểm này, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trải qua chặng đường hơn 6 năm, trong đó mục tiêu chính là tạo lập một kênh phân phối để phủ sóng hàng Việt cũng như thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng trong nước.
Qua thực tiễn cho thấy, hàng Việt khi đến với người dân vùng sâu, vùng xa đều được bà con đón nhận rất nhiệt tình nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để đáp ứng được nhu cầu ấy một cách lâu dài và bền vững.
Chia sẻ những khó khăn khi đưa hàng Việt về nông thôn, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam tâm sự, đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, chúng tôi không ít lần “đổ mồ hôi, sôi nước mắt.”
Ở giai đoạn đầu, để vận động doanh nghiệp tham gia, cán bộ Sở Công Thương phải vừa thuyết phục, vừa trực tiếp khuân hàng, giúp doanh nghiệp đưa hàng đến tận điểm bán, thậm chí, cùng bán hàng với doanh nghiệp.
"Thuyết phục được doanh nghiệp rồi trăn trở tìm địa điểm ở đâu phù hợp để đặt phiên chợ? Cách nào để thu hút người dân đến xem? Lựa chọn sản phẩm ra sao để vừa đáp ứng đúng nhu cầu, vừa có giá cả phải chăng để người dân bỏ tiền ra mua...," ông Hiển nói.