"Bắt tay" đưa sản phẩm địa phương về Hà Nội
Đa dạng hoạt động kết nối cung cầu
Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác về quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước như: Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thành phố Hà Nội năm 2018; Thông tin, tổ chức đoàn doanh nghiệp Hà Nội tham gia 12 hoạt động, hội nghị xúc tiến, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ và Quảng Ninh; Hỗ trợ các địa phương tổ chức 10 tuần hàng trái cây, nông sản tại Hà Nội như: Vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang, Vải thiều Thanh Hà- Hải Dương, Cá Sông Đà- Hòa Bình, Nhãn- Sơn La, Na Chi Lăng- Lạng Sơn, Nhãn lồng- Hưng Yên, nông sản Lâm Đồng.
Quảng bá nhãn Sơn La tại Hà Nội
Thông qua các chương trình hợp tác, trên 1.000 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết; trên 350 sản phẩm mới của Hà Nội và các địa phương được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn Thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc. Hà Nội đã hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trái cây trên 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối...Bên cạnh đó, để quảng bá hàng Việt Nam ra nước ngoài, TP Hà Nội đã tổ chức Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội 2018 tại hệ thống siêu thị Aeon, kết hợp quảng bá văn hóa, du lịch tại Nhật Bản (từ 4-13/6/2018); Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018 tại chợ Đầu mối Rungis – Pháp (19-30/6/2018)... Qua đó, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu.
Đặc biệt, đã có 105 doanh nghiệp của 24 tỉnh, thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu trên 3.000 mã sản phẩm tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm thường xuyên tại Trung tâm triển lãm của Bộ Nông nghiệp – 489 Hoàng Quốc Việt – Hà Nội và trên Trang thông tin Nông sản an toàn thành phố Hà Nội nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối Nhà sản xuất - Nhà phân phối – Người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết. Thông qua hoạt động này, nhiều sản phẩm đã vào được hệ thống siêu thị của Thủ đô.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cho biết: Các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các địa phương đã tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, chủ động đẩy mạnh khai thác thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ qua hệ thống phân phối của Hà Nội.
Cần đảm bảo tốt hơn nguồn cung sản phẩm
Dù nhiều sản phẩm có thế mạnh của địa phương được các đơn vị phân phối lớn của Hà Nội đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại, nhưng đến nay vẫn còn ít doanh nghiệp làm đầu mối mua hàng hóa cho nông dân, cơ sở sản xuất, nên khi cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm đều gặp khó khăn.
Tại Tuần lễ hàng Sơn La tại Hà Nội được tổ chức vào tháng 7 vừa qua, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thẳng thắn, Sơn La có rất nhiều sản phẩm có chất lượng và các siêu thị, kênh phân phối Hà Nội có nhu cầu lớn để thu mua các sản phẩm. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được kênh phân phối, điều quan trọng hàng đầu là phải thành lập được các hợp tác xã là đầu mối để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nếu không hình thành được, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ không thể đưa hàng về Hà Nội một cách nhỏ giọt vì chi phí rất cao.
Bên cạnh đó, các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã, bao bì sản phẩm... Để hoạt động liên kết, kết nối cung - cầu hàng hóa thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch định hướng các vùng phát triển sản xuất, chăn nuôi, thủy sản; sản xuất, cung ứng hàng hóa theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, sản xuất hữu cơ… Chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tích cực tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt bền vững trên địa bàn Thủ đô.