"Người Việt dùng hàng Việt": 2018 sẽ có nhiều chương trình hướng đến DN vừa và nhỏ
Thứ trưởng Bộ Công Thuương Đỗ Thắng Hải tại Họp báo Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm vừa qua cũng như phương hướng cho năm 2018 sắp tới.
Xin ông đánh giá những thành tích mà Bộ Công Thương đã làm được để đóng góp vào cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong năm 2017 vừa qua?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trong năm 2017, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, triển khai các đề án tổ chức hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, Chương trình xúc tiến thuương mại quốc gia đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện XTTM phát triển thị trường nội địa.
Đặc biệt, chương trình tập trung vào việc tạo lập kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn. Triển khai chương trình bình ổn thị trường, tăng cường các hoạt động khuyến công, tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường...
Còn những hạn chế của Chương trình thì sao, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Phải nhìn nhận rằng vẫn còn một số hạn chế như các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa ASEAN khi cộng đồng AEC đã thành lập cuối năm 2015.
Sự phối hợp giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa chặt chẽ.
Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực và chủ động tham gia cuộc vận động. Trong hai năm gần đây, hoạt động đầu tư thông qua hình thức M&A (mua bán và sáp nhập) gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tình trạng buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng cũng ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức trong việc cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển và mở rộng thị trường.
Ông vừa nói đến việc hàng hoá Việt Nam phải cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu. Vậy, chúng ta cần làm gì để vừa bảo vệ sản xuất và hàng hóa trong nước mà không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Về phía Nhà nước, sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về và có liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ đến mức tối đa quyền và lợi ích mà Việt Nam đã đạt được trong cam kết quốc tế; Hạn chế tối đa việc xem xét, cấp phép cho cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp FDI được bán lẻ những mặt hàng ta không cam kết; Tăng cường tham vấn, trao đổi thông tin với các đối tượng liên quan trước khi xem xét, chấp thuận, cấp phép đối với dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối hàng hóa.
Đề xuất rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thuế, phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả hành vi chuyển giá của doanh nghiệp FDI mà không ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, giá...; chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.
Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam. Việc này nhằm mục đích cung ứng cho các cơ sở bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.
Vụ Khaisilk vừa qua đã khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào hàng Việt. Bộ Công Thương sẽ có những biện pháp quản lý nào trong năm 2018 để lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm Việt?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trường hợp của Công ty TNHH Khải Đức, Bộ Công Thương đã có văn bản số 129/BC-BCT ngày 15/12/2017 về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tại Công ty TNHH Khải Đức. Theo đó, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý dấu hiệu vi phạm của Công ty Khải Đức.
Sang năm 2018, Bộ Công Thương đã có kiến nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện những giải pháp về quản lý thương mại hàng hóa dịch vụ, ngăn ngừa sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo triển khai tăng cường các chuyên đề kiểm tra trọng điểm nhằm huy động nguồn lực đấu tranh ngăn chặn đối với các hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa, buôn lậu, hàng giả, trốn thuế... Trong đó cần tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, may mặc, giầy dép…
Bộ Công an tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống các đường dây, tổ chức tội phạm về sản xuất, nhập khẩu hàng giả, gian lận về xuất xứ, trốn thuế...
Lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận về xuất xứ đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài , chú trọng công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống gian lận thuế, xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cơ quan Thuế tăng cường phòng, chống các gian lận về thuế, hóa đơn, chứng từ… liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Bộ KH&CN chỉ đạo tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền và hậu kiểm trong lĩnh vực chất lượng hàng hóa, công bố chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin với cơ quan Công an, Lực lượng Quản lý thị trường, Cơ quan Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, thường xuyên thực hiện các chuyên đề kiểm tra trên phạm vi cả nước đối với các nhóm mặt hàng nhạy cảm, nguy cơ cao, thiết yếu.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân phòng tránh các gian lận về xuất xứ, chất lượng hàng hóa, đặc biệt là đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với người dân.
Đồng thời, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng bằng các giải pháp hiệu quả trong việc huy động nguồn lực nhà nước và xã hội thực hiện sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam có chất lượng, cũng như công tác đấu tranh phòng chống hàng giả và gian lận thương mại.
Năm 2018, Bộ Công Thương có sự đổi mới để thúc đẩy cuộc vận động thêm hiệu quả?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Năm tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua một số các chương trình, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để cải thiện chất lượng hàng hóa.
Bên cạnh đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng để nắm bắt thị hiếu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam; kết nối giữa khối FDI với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với hệ thống phân phối để hỗ trợ phát triển thị trường như điều 13 và điều 24 của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Xin cảm ơn ông!