10 năm chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập
Là lĩnh vực chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, phải tới năm 2005, ngành chăn nuôi Việt Nam mới có cơ quan quản lí nhà nước riêng (Cục Chăn nuôi).
Dù còn nhiều thách thức trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chăn nuôi Việt Nam cũng đã có chặng đường phát triển vượt bậc trong 10 năm qua, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp.
Tròn trọng trách thực phẩm, dinh dưỡng cho xã hội
So với lĩnh vực trồng trọt, đến nay, chăn nuôi Việt Nam chưa có được những sản phẩm xuất khẩu có vị thế trên trường quốc tế. Mặc dù vậy trong 10 năm qua, chăn nuôi cũng đã phát triển không ngừng, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong nước với số lượng và chất lượng ngày càng tăng.
Giai đoạn 2006 - 2010, dù phải đối phó với hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh…, tuy nhiên chăn nuôi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững. Tổng sản lượng thịt hơi tăng bình quân 7,5%/năm, trong đó thịt lợn tăng 6,5%/năm; thịt gia cầm và trứng tăng tương ứng 10,8% và 12%/năm, sản lượng sữa tươi tăng 12,8%/năm.
Sang giai đoạn 2011 - 2015, dù chịu tác động của dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả vật tư, thức ăn tăng mạnh…, tuy nhiên chăn nuôi tiếp tục duy trì được tốc độ ấn tượng từ 4,5 - 5%/năm. Đến năm 2015, ước tính tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt khoảng 205,44 nghìn tỉ đồng; tổng sản lượng thịt hơi tăng bình quân 3,38%/năm, trong đó thịt lợn tăng 2,7%, thịt gia cầm và trứng tăng lần lượt 10%/năm và 7,56%/năm. Sữa tươi là sản phẩm có mức tăng trưởng đột phá nhất trong 5 năm 2011-2015 với mức tăng lên tới 22,1%/năm.
Từ một nước thiếu thốn trầm trọng về thực phẩm, đến nay, có thể nói nhiều sản phẩm chăn nuôi SX trong nước như trứng, thịt lợn, thịt gia cầm… đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước với giá cả không cao hơn nhiều so với mặt bằng chung thế giới, một số sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, trứng, sữa… đã có xuất khẩu.
Từ một nước gần như không có sữa uống, đến nay chăn nuôi bò sữa đã có bước phát triển vượt bậc với trên 220 nghìn con, nhiều DN chế biến sữa có vị thế hàng đầu khu vực, đưa mức tiêu thụ sữa bình quân của Việt Nam đạt trên 15 kg/người/năm… Để có bước phát triển vượt bậc như trên, phải kể tới một số tiến bộ kỹ thuật đã được nhanh chóng đưa vào SX.
Thứ nhất là nhiều loài giống mới đã được đưa vào sử dụng có hiệu quả, nhất là giống lợn, giống gia cầm, giống bò. Nhiều giống lợn ngoại phong phú về nguồn gốc đã được đưa vào SX và lai tạo giúp giống lợn trong nước được nâng lên một bước, nhất là tỉ lệ nạc. Tỉ lệ giống lợn ngoại, lợn lai 2-3 máu ngoại được nuôi ở các trang trại đang ngày càng tăng. Tiến bộ về giống là yếu tố quan trọng giúp trọng lượng lợn thịt xuất chuồng cả nước bình quân từ 67,7 kg/con (năm 2011) tăng lên trên 70 kg/con (năm 2015).
Về giống gia cầm, các giống gà chuyên trứng nổi tiếng thế giới như gà ISA Brown, Brown Nick, Hisex Brown, Babcock B380, Hyline, Lohmann Brown… đã và đang được nuôi ở nước ta. Ở trong nước, Việt Nam đã từng bước nghiên cứu, chọn tạo và chủ động SX được nhiều giống gà lông màu, giống vịt có năng suất, chất lượng cao, nhất là giống gia cầm chuyên thịt. Chăn nuôi gia cầm đã áp dụng các công thức lai nhằm khai thác ưu thế ở đời sau để tăng thêm giá trị từ 8-9%.
Bên cạnh đó, các giống bò thịt, bò sữa cao sản nguồn gốc ôn đới như HF, bò lai HF với tỉ lệ máu khác nhau đã được nuôi thành công tại nhiều địa phương. Nhờ có giống tốt, năng suất sữa đã tăng từ 4.000 kg/con/năm (giai đoạn 2006 – 2010) lên bình quân trên 5.000 kg/con/năm (giai đoạn 2011-2015). Cùng với việc du nhập, lai tạo các giống gia súc, gia cầm nhập ngoại, các giống bản địa (như lợn Móng Cái, bò H’Mông, trâu, gà Mía, gà Đông Tảo…) đã tiếp tục được nghiên cứu bảo tồn, tăng năng suất và chất lượng.
Những bệ phóng tăng trưởng
Một trong những yếu tố quan trọng giúp năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi có bước đột phá trong giai đoạn 2005 – 2015 không thể không nói tới vấn đề thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Trong 10 năm qua, việc quản lí, SX và sử dụng TĂCN đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm, các DN trong và ngoài nước đã tăng mạnh đầu tư mở rộng SX.
Đến nay, cả nước đã có trên 203 DN và cơ sở SX TĂCN. Tổng khối lượng TĂCN hỗn hợp từ 5,34 triệu tấn năm 2005 đã tăng lên gấp đôi (10,6 triệu tấn) năm 2010 và dự kiến năm 2015 đạt trên 15,6 triệu tấn, đáp ứng 75% lượng thức ăn cho chăn nuôi trên toàn quốc. Với mức tăng trưởng giai đoạn 2005-2010 khoảng 20% và gần 9,5% giai đoạn 2010 – 2015, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng trong SX TĂCN mạnh nhất khu vực châu Á.
Công nghệ trong chăn nuôi là yếu tố thứ ba góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững trong thời gian qua, nhất là chăn nuôi khép kín, kết hợp với quản lí chất thải, môi trường chăn nuôi bằng công nghệ đệm lót sinh học, bể biogas.
Đến năm 2014, số lượng trang trại chăn nuôi đã đạt con số gần 10 nghìn, trong đó đa số các cơ sở chăn nuôi sử dụng phương thức chăn nuôi công nghiệp, chuồng khép kín. Nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến tập trung đã hình thành. Chăn nuôi từ chỗ nhỏ lẻ, manh mún đã cơ bản chuyển sang hàng hóa.
Chỉ trong 5 năm 2011 – 2015, Bộ NN-PTNT phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng được trên 2,5 triệu công trình khí sinh học, với khoảng 140 nghìn hộ được hỗ trợ kinh phí, góp phần nâng dần tỉ lệ hộ chăn nuôi có hệ thống xử lí chất thải lên 88% (năm 2015) trong tổng số trang trại cả nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng là yếu tố phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, ổn định SX. Cùng với các tiến bộ kỹ thuật, việc đổi mới mô hình quản lí, hình thành các tổ chức SX kiểu mới như HTX, tổ hợp tác trong chăn nuôi nhằm tạo mối liên kết, giảm giá thành, bao tiêu sản phẩm… cũng đã được thành lập và hoạt động hiệu quả trên cả nước.
Cơ hội, thách thức hội nhập
Với việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, chăn nuôi được đánh giá là ngành chịu tác động lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, một số hạn chế lớn của ngành đang vấp phải có thể kể tới như năng suất, chất lượng đàn giống, năng suất thịt, sữa… còn thấp, chưa đạt yêu cầu so với mặt bằng của các quốc gia phát triển cao về chăn nuôi.
Đến nay, chăn nuôi lợn mới đạt 17-20 con cai sữa/nái/năm (so với mức 31-33 con/nái/năm của Đan Mạch, 24-26 con/nái/năm của các nước như Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan…). Tỷ lệ hao hụt lợn con vẫn còn lớn, từ lúc sơ sinh đến cai sữa lên tới 20-25%. Dù đã có nhiều cải thiện và tăng trưởng ấn tượng thời gian qua, nhưng năng suất sữa của các giống bò HF thuần NK nuôi tại các DN bình quân mới chỉ đạt 6.000 lít/chu kỳ (so với 10 nghìn lít/chu kỳ của các nước tham gia TPP như Mỹ, Newzeland).
Bên cạnh đó, năng suất thịt của chăn nuôi nước ta nói chung vẫn còn ở mức thấp; tổ chức SX dù đã tăng quy mô nhưng nhìn chung vẫn còn phân tán nhỏ lẻ, chưa hình thành được các chuỗi liên kết; công tác vệ sinh ATTP trong giết mổ, dịch bệnh luôn tiềm ẩn… cũng là những yếu tố khiến khả năng cạnh tranh của chăn nuôi Việt Nam còn thua kém xa so với nhiều nước, nhất là các nước có thế mạnh chăn nuôi trong khối hiệp định TPP.
Trước những khó khăn này, việc tăng sức cạnh tranh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm cho chăn nuôi Việt Nam đang là bài toán có tính sống còn. Để giảm giá thành, giải pháp cấp thiết hiện nay là cần tổ chức lại SX theo hình thức HTX, tổ hợp tác, hội, hiệp hội SX theo chuỗi khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ để giảm đến mức tối đa các khâu trung gian. Đồng thời, các DN chăn nuôi cần đi tắt đón đầu, đưa công nghệ thông tin, dây chuyền chăn nuôi tự động hóa vào SX nhằm giảm lao động.
Trong bối cảnh hàng rào thuế quan bị bãi bỏ, nhiều sản phẩm chăn nuôi NK giá rẻ đang tràn vào Việt Nam, chăn nuôi trong nước cần tận dụng lợi thế cạnh tranh có tính đặc trưng của các sản phẩm nội địa phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và từng vùng miền để tập trung khai thác và giữ được thị trường trong nước. Trong đó, cần chú trọng xây dựng phát triển các thương hiệu giống bản địa, đặc sản như lợn Móng Cái, gà đồi Yên Thế, một số giống gà lông màu, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mía.