10 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Chinh phục niềm tin
“Tiến đến mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) - về một số mục tiêu cho CVĐ giai đoạn tới sau chặng đường 10 năm triển khai.
Hàng Việt chiếm ưu thế
Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm an toàn có nguồn gốc xuất xứ từ thiên nhiên, bà Nguyễn Thị Đông - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Hoa Lan - cho biết, những năm gần đây, công ty đặc biệt quan tâm đến bán hàng trong nước. Cùng với bán hàng theo phương thức truyền thống, Hoa Lan còn đẩy mạnh truyền thông và bán hàng trên mạng xã hội. Nhờ đó, nếu như những năm trước đây, các sản phẩm của Hoa Lan chủ yếu được xuất khẩu thì đến nay, thị phần ở thị trường trong nước ngày càng tăng cao. “Nhờ sự hỗ trợ từ CVĐ, Hoa Lan đã có điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng biết đến và chọn mua” - bà Nguyễn Thị Đông cho hay.
Dưới góc độ là kênh phân phối bán lẻ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, ông Phạm Đình Đoàn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái - nhận định “Kênh phân phối hiện đại, bao gồm cả của doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, khi đã kinh doanh tại Việt Nam đều đóng góp tích cực cho sự phát triển của hàng hóa Việt Nam. Thậm chí, sự lo ngại của không ít người về việc các chủ đầu tư nước ngoài vào và mua lại các kênh phân phối của Việt Nam thời gian qua thực ra không đáng lo”.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, trước đây, chuỗi siêu thị Big C là của người Thái, sau nhiều năm bán đi, mới đây, người Thái mới mua lại được từ tay chủ cũ là người Pháp. Việc mua bán, sáp nhập trên thị trường bán lẻ rất bình thường. Quan trọng là, dù thuộc chủ sở hữu là người Thái hay người Pháp, tỷ lệ hàng Việt Nam vẫn rất cao. Ông Phạm Đình Đoàn phân tích, kênh siêu thị của mỗi quốc gia thường có xu hướng dành một phần tỷ lệ hàng hóa cho hàng của quốc gia đó. Tuy nhiên, không DN nào “dại dột” từ chối nguồn hàng tại chỗ, giá rẻ, không mất nhiều chi phí vận chuyển, lại được lòng người tiêu dùng trong nước. Cho nên, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm đến 90% kênh siêu thị hiện nay là chuyện bình thường. Niềm yêu thích của người tiêu dùng với hàng Việt, cùng với tác động từ CVĐ là nguyên nhân làm nên thành công đó.
Cùng quan điểm với các DN, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ đã tổ chức đợt kiểm tra tại nhiều thành phố lớn và địa phương. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh siêu thị hiện vẫn lên đến 90%.
Sản phẩm chất lượng là cốt lõi
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, các cam kết hội nhập sâu, rộng đã và đang tạo cơ hội cho hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam. Vì vậy, trong giai đoạn mới triển khai CVĐ, phải hướng đến mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục tốt người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Phạm Đình Đoàn thẳng thắn cho rằng, DN phân phối sẽ ưu tiên hơn cho hàng hóa tại nguồn với những lợi thế lớn về khoảng cách địa lý, giá thành, phù hợp với văn hóa tiêu dùng của địa phương…, nhưng nếu những yếu tố đó hàng nước ngoài làm tốt hơn thì hàng Việt Nam sẽ bị “đánh bật”. Do đó, không phải là DN phân phối ưu tiên cho sản phẩm nào mà liệu DN Việt có dám đầu tư công nghệ để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao đưa vào hệ thống phân phối hay không. Nếu hàng hóa không có sức cạnh tranh, không thể đưa vào siêu thị.
Trợ sức cho DN, trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các giải pháp như: Hướng dẫn DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm; ưu tiên các DN Việt tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương; dành nguồn vốn khuyến công hỗ trợ DN công nghiệp, làng nghề…
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, phong trào vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa đã tạo ra những thương hiệu vang danh thế giới như Toyota, Samsung… Nhưng để người tiêu dùng chọn mua, hàng hóa đó phải có chất lượng. “Giai đoạn tới, DN phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Nhà nước sẽ quan tâm, ưu tiên hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho DN hoạt động chứ không làm thay hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên. Cốt lõi của CVĐ trong giai đoạn tới chính là DN và sản phẩm chất lượng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.