8 năm Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'- Hiệu quả toàn diện nhờ 'ý Đảng' hợp 'lòng dân'

Xác định sự vào cuộc của doanh nghiệp (DN) là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), ngay từ năm 2009, DN là một trong những lực lượng trong tâm để vận động triển khai CVĐ.

Huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Phó trưởng Ban thư ký Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương CVĐ, Thường trực BCĐ Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện CVĐ - chia sẻ, huy động DN vào cuộc được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của CVĐ, bởi DN là lực lượng sản xuất, có vai trò quyết định chất lượng, giá cả hàng hóa cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, những hợp đồng nghìn tỷ đồng mà các DN ký kết với nhau thực sự là nguồn vốn lớn, có tác dụng kích thích sản xuất, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. "Do đó, huy động được sự vào cuộc của DN là có được một nửa thành công" - bà Nga cho hay. 

Hiểu được điều đó, nhưng trong những năm cuối của thập niên trước, không dễ dàng thuyết phục DN tham gia CVĐ khi nhiều DN thích làm hàng xuất khẩu hơn vì làm theo lô, quy trình rất nhanh gọn, chỉ bao gồm sản xuất - đóng hàng - chuyển đến bến là được nhận tiền. Trong khi đó, làm hàng trong nước "lắt nhắt" hơn bởi nhiều công đoạn như sản xuất, đóng hàng, chào hàng, bán hàng… nên DN có phần e ngại. 

Đúng vào thời điểm này, phát huy vai trò tiên phong, năm 2009, Đảng ủy khối các DN Trung ương (TW) đã triển khai Chương trình "Ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau" giữa các Đảng ủy DN trong khối nếu hàng hóa trong nước có chất lượng và giá bán tương đương với hàng nhập khẩu. Đồng chí Nguyễn Thị Tiếp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ của Đảng ủy Khối DNTW - cho biết, những năm vừa qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW đã chỉ đạo tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo TW CVĐ vào Nghị quyết chuyên đề, chương trình công tác hàng năm; chỉ đạo hướng dẫn các Đảng ủy trực thuộc xác định nhu cầu và năng lực đáp ứng sản phẩm, dịch vụ, khả năng liên doanh, liên kết của các đơn vị trong khối để phối hợp, bảo đảm sử dụng tối đa sản phẩm, dịch vụ của nhau… Ban đầu là vận động, sau là tự kết nối vì sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, từ năm 2009 -2016, đã có 209 cuộc ký kết thỏa thuận, hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: Xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, giao thông vận tải, ngân hàng, bảo hiểm… trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng được triển khai theo tinh thần chỉ đạo của các Đảng ủy DN trong khối. 

Đáng chú ý, chương trình này đã tạo tiền đề cho hàng loạt các hoạt động ký kết ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước sau này. Cụ thể, hưởng ứng CVĐ và triển khai Nghị quyết số 13 ngày 10/5/2012 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tháng 10/2012, Bộ Công Thương đã tổ chức ký kết thỏa thuận chung giữa 16 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ về việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Ngay sau đó, các đơn vị đã triển khai nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa như thép xây dựng, xăng dầu, khí hóa lỏng, than, phân bón, hóa chất, giấy in, điện… Đến nay, các tập đoàn, tổng công ty vẫn duy trì những chương trình hợp tác, ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa của nhau.

Nhờ đó, đường kim mũi chỉ chỉn chu trên nền vải in hình bông sen của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã trở thành đồng phục của hãng hàng không Vietnam Airlines; sản phẩm của Đức Giang cũng đạt tiêu chuẩn và được chọn lựa làm đồng phục cho một số DN thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Vận tải Hà Nội; từng dòng "vàng đen" của Tổ quốc chảy vào nhà máy điện, xi măng, thép… sản xuất ra nguyên liệu cho phát triển đất nước; thép chống lò của Tổng công ty Thép Việt Nam được cung cấp cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)...

Doanh nghiệp tự khẳng định

Dù ưu tiên sử dụng hàng hóa của nhau đã trở thành chủ trương, nhưng để chiếm lĩnh được thị trường, yếu tố tiên quyết là chất lượng hàng hóa phải tốt, giá cả cạnh tranh, nếu không DN cũng không thể mãi ưu tiên lựa chọn sử dụng. Do đó, trên thực tế, việc các DN nội khối giao kết ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau là một trong những yếu tố kích thích các DN này nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đơn cử, trong giai đoạn vừa qua, sản phẩm máy biến áp 220 kV và 500 kV do Anh hùng Lao động, Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt (Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh) thiết kế được coi là một trong những đỉnh cao của khoa học công nghệ ngành điện. Nhờ nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị này, Việt Nam đã chủ động được máy biến áp cho hệ thống điện, thay vì phải tốn rất nhiều tiền dể nhập khẩu. Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đánh giá, hai thiết bị máy biến áp này đã giúp tiết kiệm hàng triệu USD nhập khẩu máy móc cho các nhà máy điện. Đồng thời khẳng định sức sáng tạo và trí tuệ người Việt Nam.

Hoặc trước đây, để phục vụ nhu cầu sản xuất than, hàng năm, TKV sử dụng khoảng 80.000 tấn thép chống lò các loại, nhập khẩu từ Ukraine, Trung Quốc... Để giảm chi phí sản xuất, từ năm 2009, các công ty thép của Việt Nam đã nghiên cứu, đầu tư và sản xuất thép chống lò và đến nay, các sản phẩm của Công ty Thép An Khánh, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã áp dụng thành công cho các DN than. Sử dụng thép chống lò được sản xuất trong nước, DN tiết kiệm được một phần kinh phí lớn bởi giá thép trong nước rẻ hơn, không phải vận chuyển xa và không mất nhiều thời gian chờ đợi. 

Bắt đầu từ một chính sách đúng, đến nay, nhiều sản phẩm của DN trong nước đã được "bắc cầu" để đến đúng địa chỉ của nhau. Việc được sử dụng tại các DN lớn cũng giúp sản phẩm Việt tạo dựng uy tín và thương hiệu, có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Bình luận của bạn