95% doanh nghiệp đạt được thỏa thuận qua Kết nối hàng Việt-Đà Nẵng 2019

95% doanh nghiệp tham gia “Kết nối hàng Việt-Đà Nẵng 2019" đạt được thỏa thuận trong tìm kiếm nhà phân phối, quảng bá thương hiệu và kết nối các nhà giải pháp.

Chương trình Kết nối hàng Việt-Đà Nẵng 2019 do Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Khánh, Phó Ban tổ chức (BTC) chương trình cho biết, mục đích của chương trình là kết nối, với việc phát huy ưu điểm của giải pháp trực tuyến và truyền thống thông qua sự kết hợp 3 nội dung: kết nối trực tuyến, hội nghị kết nối và triển lãm hàng Việt.

Qua khảo sát doanh nghiệp tham gia sau chương trình, BTC nhận được khá nhiều thống kê số liệu hiệu quả và doanh nghiệp đánh giá tốt về chương trình.

“95% doanh nghiệp tham gia Hội nghị Kết nối hàng Việt và giải pháp cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số bước đầu đạt được thỏa thuận trong tìm kiếm nhà phân phối/siêu thị, quảng bá hình ảnh thương hiệu/sản phẩm, bán hàng và kết nối các nhà cung cấp giải pháp. Đây là thành công lớn nhất mà chương trình đem lại cho doanh nghiệp tham gia”, ông Khanh nói.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng đánh giá, điểm đặc biệt của Kết nối hàng Việt - Đà Nẵng 2019 là BTC đã mời được các đơn vị công nghệ tư vấn, hỗ trợ các gói giải pháp liên quan tới truyền thông, kỹ thuật số, xây dựng thương hiệu và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp.

Đến với chương trình kết nối, các doanh nghiệp đã thực sự có được điều mình cần là gặp trực tiếp đơn vị giải pháp. Các đơn vị giải pháp tư vấn, tìm ra điểm mạnh, yếu để tham vấn cho doanh nghiệp có những hướng đi trong thời gian tới.

“Qua thăm dò thì đa số doanh nghiệp rất phấn khởi. Thực tế, để tham gia một chương trình hội chợ, triển lãm, doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí. Vì vậy, đến với chương trình lần này, gặp gỡ các nhà giải pháp, được tư vấn trực tiếp là điều doanh nghiệp rất hài lòng”, ông Bách nói.

Theo ông Bắc, bây giờ không sử dụng các biện pháp công nghệ để phát triển sản phẩm hàng hóa thì đó là thiệt thòi cho doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ rằng xu hướng này sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ sử dụng các giải pháp công nghệ để quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm của Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên. Ở khu vực có nhiều sản phẩm đặc trưng cần phải thương mại hóa và sở Công Thương tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia”, ông Bắc cho biết.

Ông Bắc nhìn nhận, Đà Nẵng là trung tâm của khu vực miền Trung nhưng thương mại điện tử chưa phải là mạnh so vơi hai đầu đất nước. Hiện Sở Công Thương Đà Nẵng đã có sàn giao dịch điện tử và mục tiêu hướng đến là kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp để bổ trợ lẫn nhau.

“Nếu gặp khó khăn gì, doanh nghiệp cứ gặp gỡ chúng tôi. Chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà giải pháp để tư vấn thêm. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử thì doanh nghiệp mới bán được hàng, doanh số tăng lên sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển”, ông Bắc nói.

Cùng quan điểm, ông Khanh cho rằng, hiện có một số hãng thương mại điện tử lớn trên thế giới đã bắt đầu tham gia vào thị trường Việt Nam như Amazon, Alibaba... và đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, bán hàng ra toàn thế giới.

Ông Khanh cho biết, trong kỳ tổ chức tiếp theo, BTC sẽ có những điều chỉnh nội dung, cách thức tổ chức khác để tăng tính tương tác và sẽ mời nhiều chuyên gia tham gia vào Ban thực thi kết nối để tư vấn tốt hơn cho doanh nghiệp.

Ông Khanh cũng đánh giá cao sự bảo trợ thông tin, kết nối doanh nghiệp từ VTC news và cộng đồng doanh nghiệp SSDe.vn cho chương trình.

 

Bình luận của bạn