Ẩm thực: Sức hút của Việt Nam
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội, Việt Nam đã thực hiện hoạt động ngoại giao ẩm thực đầy ấn tượng. Gần 3.000 phóng viên quốc tế đưa tin về sự kiện đã được mời thưởng thức nhiều món ăn truyền thống đặc sắc của Việt Nam.
Những món ăn Việt Nam chiêu đãi các phóng viên tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 gồm: Bún chả, phở, bún thang, nem cua… Nguyên liệu được chuẩn rất bị kỹ lưỡng; khâu chế biến được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với sự chuẩn bị chu đáo, trong suốt những ngày diễn ra hội nghị, các phóng viên quốc tế đều bày tỏ thích thú với ẩm thực của Việt Nam.
Trước phản hồi tích cực của các phóng viên quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, cụm từ “ngoại giao ẩm thực” của Việt Nam đã rất thành công, bởi vừa mang ý nghĩa giới thiệu món ăn độc đáo của Việt Nam vừa hàm chứa sự hiếu khách và tình cảm thân thiện của người Việt Nam.
Việt Nam sở hữu nền văn hóa ẩm thực đa dạng vùng, miền, cùng với đó là nguồn lương thực, thực phẩm, thủy, hải sản phong phú… Cho nên không ngạc nhiên khi ẩm thực Việt Nam rất dễ lấy lòng các vị khách quốc tế, kể cả các chính khách, nguyên thủ của nhiều quốc gia từng đến Việt Nam. Với nét đặc sắc này, ẩm thực chính là tiềm năng để khai thác, quảng bá, tăng sức hút cho ngành du lịch Việt Nam ra thế giới. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty du lịch Viettravel, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam - chia sẻ, ẩm thực chính là con đường tiếp cận nhanh, gần gũi nhất và rất phù hợp để phát triển du lịch.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, thời gian tới, Hiệp hội Văn hóa Ấm thực Việt Nam và các nghệ nhân sẽ tham gia tổ chức “Tuần Văn hóa ẩm thực” tại Pháp và Hoa Kỳ. Đề án của hiệp hội hướng đến việc xây dựng Việt Nam trở thành “bếp ăn” của thế giới. Nhưng mục tiêu gần nhất trước mắt là triển khai đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu du lịch của Việt Nam. Do đó, hiệp hội sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá ẩm thực Việt Nam với Tổng cục Du lịch trong năm 2019-2020.
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho hay, Tổng cục sẽ luôn đồng hành cùng với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam để quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới. Đồng thời mong muốn hiệp hội sẽ tập hợp, phát triển và đoàn kết các hội viên; qua đó góp phần nâng cao chất lượng của ngành. Trong đó, lãnh đạo ngành du lịch nhấn mạnh, hiệp hội cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm và lấy hoạt động bảo tồn, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt làm định hướng xuyên suốt.
Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt và trở thành “bếp ăn” của thế giới, Việt Nam cần cải thiện chất lượng thực phẩm; phát triển hệ thống nhà hàng đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ nhân lực ngành đầu bếp trong chế biến món ăn, cũng như kỹ năng, phong cách phục vụ phù hợp. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch dân tộc để quảng bá ra thế giới.