Australia: Thị trường tiềm năng của thực phẩm Việt

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, trong tháng 12/2016, Việt Nam không có trường hợp vi phạm nào khi xuất khẩu hàng thực phẩm vào Australia. Tính cả năm 2016, Việt Nam chỉ có 12 trường hợp vi phạm, giảm tới 50% so với năm 2015.

Cụ thể, tháng 12/2016, Bộ Nông nghiệp Australia đã tiến hành kiểm soát và xác định những lô hàng thực phẩm như phô mai xanh, sò tươi, tôm thẻ chân trắng bóc vỏ đông lạnh… có nguy cơ ảnh hưởng cho sức khỏe cộng đồng hay không. Các lô hàng có nguy cơ ảnh hưởng sẽ không được phép bán tại Australia, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Australia. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định. Việt Nam không có trường hợp vi phạm nào trong tháng 12/2016. Ngoài ra, việc kiểm tra hóa chất, chất gây ô nhiễm và độc tố toxin trong sắn lát, sò khô, đậu phộng cay, đậu phộng rang… và kiểm tra ngẫu nhiên cho rau quả theo mùa, bột mỳ, cà phê… cũng không phát hiện trường hợp vi phạm nào của Việt Nam trong cùng thời điểm.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, Australia là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng thực phẩm bởi nhu cầu thị trường với các mặt hàng này khá cao. Bên cạnh đó, chính sách thương mại và thuế của Australia cũng khá minh bạch. Tuy vậy, hàng rào phi thuế quan (quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…) lại rất chặt chẽ. Hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Australia còn gặp khó khăn ở khâu thâm nhập thị trường và kiểm dịch. Việc giảm thiểu tương đối các vụ vi phạm về thực phẩm nhập khẩu trong năm 2016 là tín hiệu mừng cho hàng thực phẩm của Việt Nam sang Australia trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy – Đại diện thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia - chia sẻ, để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường này, giải pháp ưu việt nhất là đưa hàng có chất lượng cao và xuất xứ tốt của sản phẩm; xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam không kém hơn sản phẩm của Australia. Xuất xứ tốt của sản phẩm (không phải giá thấp) là trọng tâm chính cần hướng tới. An toàn thực phẩm, môi trường bền vững, đãi ngộ lao động, tất cả được minh chứng bằng một giấy xác nhận độc lập sẽ là “giấy thông hành” hữu ích cho sản phẩm vào thị trường. Hơn hết, doanh nghiệp (DN) Việt nên cung cấp sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp sản phẩm rẻ tiền bởi người Australia thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt.

Đặc biệt, đối với các mặt hàng thực phẩm, Australia áp dụng quy định “Lệnh giữ hàng” để xử lý các lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc yêu cầu về đóng gói, bao bì, ký mã hiệu. Khi DN đã bị áp dụng lệnh giữ hàng, các lô hàng tiếp theo sẽ không được phép nhập khẩu vào thị trường hoặc phải chịu kiểm tra chặt chẽ trong 5 chuyến. Do vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, các DN cần chú ý bảo đảm chất lượng, tránh ảnh hưởng đến những lô hàng sau.

Bình luận của bạn