Bà con Nam Đông với niềm tin hàng Việt
Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,5% số dân của huyện, chủ yếu là người Cơ tu. Những năm qua, bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, tạo cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, chương trình kết nối nhà sản xuất, đưa hàng Việt về nông thôn, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… được triển khai thường xuyên hơn tại huyện miền núi này.
Đặc biệt, vừa qua, Sở Công thương Thừa Thiên Huế đã tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi năm 2017 tại huyện Nam Đông. Tại đây, 100% các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kèm theo. Bên cạnh hàng hóa tham gia chương trình như: sản phẩm điện tử, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh, cây – con - giống vật nuôi… thì những mặt hàng là sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: cam, mật ong, ngũ cốc, dầu tràm, nấm linh chi… được các công ty và cơ sở tại địa phương bày bán, giới thiệu đến khách thăm quan và bà con. Tại gian hàng sản phẩm mật ong rừng Pensee Honey, tinh dầu tràm Huế Hi Fresh của Công ty TNHH MTV Nhà hàng Thảo Nguyên Xanh, chị Lê Thị Cẩm Nhung - Giám đốc công ty chia sẻ: Công ty thường xuyên tham gia những chương trình do Sở Công Thương tổ chức như: Tháng khuyến mại, Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn…
Qua những lần tham gia, doanh nghiệp không những quảng bá sản phẩm mà được giao thương, học hỏi kinh nghiệm rất nhiều. Công ty có trụ sở và nhà máy tại địa phương nên đợt tham gia tháng khuyến mại sẽ giảm giá thành, tặng thêm sản phẩm cho bà con. Doanh nghiệp mong muốn các ban, ngành, tổ chức nhiều phiên chợ để bà con và các đơn vị sản xuất hàng Việt gần nhau hơn. Qua đó, doanh nghiệp cũng nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng từng vùng, miền để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Chị Đặng Thị Duyên ở thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông có mặt tại phiên chợ cho biết: Do ít có điều kiện ra trung tâm thành phố mua sắm nên nhiều người dân trong huyện mong chờ địa phương tổ chức các hội chợ, phiên chợ để được mua sắm hàng hóa do các công ty trong nước sản xuất. Những hàng hóa này vừa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý. Nhưng năm nào cũng vậy, các hội chợ, phiên chợ chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, bà con chưa mua sắm được nhiều.
Theo ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên Huế, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được tổ chức ở các huyện, thị xã trên địa bàn Thừa Thiên Huế và Nam Đông nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các đơn vị kinh doanh trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo niềm tin của đồng bào địa phương đối với việc sử dụng hàng Việt. Đáng lưu ý là các phiên chợ đã tạo điều kiện cho bà con ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cơ hội mua hàng hóa được cung cấp bởi những nhà sản xuất, phân phối có uy tín. Thúc đẩy nền kinh tế sở tại phát triển để từng bước theo kịp miền xuôi và đô thị. Mục đích chính của các phiên chợ đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về vùng nông thôn, miền núi không chỉ là số lượng hàng được bán tại chỗ, mà là tạo cơ hội để người tiêu dùng thấy được hàng Việt Nam có chất lượng tốt như thế nào để từ đó tin dùng.