Bắc Kạn: Hàng Việt được ưa chuộng

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, sau gần 8 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng cũng như nhận thức của doanh nghiệp (DN) sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đa dạng hoạt động thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt

Từ năm 2009 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã đồng ý cho các DN tổ chức trên 60 hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn với cam kết trên 70% hàng hóa tại hội chợ do DN trong nước sản xuất. Các phiên chợ là cơ hội quảng bá hiệu quả hàng Việt chất lượng, giá hợp lý đến với người tiêu dùng. Hàng hóa Việt bao gồm cả sản phẩm địa phương, ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bắc Kạn còn chỉ đạo Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Phiên chợ được ưu tiên tổ chức tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các huyện miền núi - nơi nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng Việt của người tiêu dùng ở mức cao, nhưng mạng lưới hệ thống phân phối cũng như lượng hàng hóa lưu thông còn hạn chế. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có 6 chuyến hàng được tổ chức thành công về các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Bạch Thông.

Đặc biệt, thời gian qua, Sở Công Thương còn tích cực phát triển hệ thống phân phối hàng Việt. Năm 2016, Sở tiếp tục xây dựng Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Chợ Đồn. Điểm bán hàng Việt Nam đã tác động trực tiếp và tích cực đến thói quen mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng trong tỉnh cũng như khách du lịch đến với địa phương.

Nếu như những năm trước, tại các chợ, cửa hàng kinh doanh hay các trung tâm thương mại tỉnh Bắc Kạn, phần lớn là hàng hóa Trung Quốc hoặc không có nguồn gốc rõ ràng, thì nay, chủ yếu hàng hóa là do các DN trong nước sản xuất. Điều này cho thấy, đa số người tiêu dùng đã tin dùng hàng Việt.

Tạo sức bật cho sản phẩm địa phương

Là địa phương có nguồn nông sản dồi dào, phong phú, Sở Công Thương Bắc Kạn đã nỗ lực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức kết nối cung - cầu một số DN, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, như: Giới thiệu sản phẩm miến dong, chè Thiên Phúc vào hệ thống Siêu thị Hapro Mart, kết nối cung - cầu giữa Hợp tác xã Đại Hà (huyện Bạch Thông) với Công ty TNHH Lai Hoài (Hưng Yên) tiêu thụ sản phẩm quýt Bắc Kạn...

Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường, các DN Bắc Kạn đã nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, xây dựng thành công thương hiệu cho một số sản phẩm như: Miến dong Nhất Thiện Ba Bể, miến dong Triệu Thị Tá, đũa gỗ xuất khẩu Tracimexco; bún khô của Hợp tác xã 20 - 10, phở khô Phủ Thông, nước uống tinh khiết Nặm Cắt BK… Nhờ đó, đến nay, một số sản phẩm nông sản của địa phương như miến dong, bún, phở khô… đã trở thành hàng hóa, gia nhập thành công vào hệ thống bán lẻ hiện đại tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Năm 2017, Bắc Kạn đặt mục tiêu nghiên cứu và xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp để tạo cơ sở ổn định hơn, tiêu thụ các sản phẩm địa phương.

Bình luận của bạn