Bắc Kạn: Xóa “điểm trắng” hàng Việt

Là tỉnh miền núi nghèo, giao thông chưa thuận tiện, thu nhập người dân còn thấp nên các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi Bắc Kạn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cơ quan quản lý và người dân. Những nỗ lực trên đã giúp xóa dần “điểm trắng” hàng Việt tại địa phương.

Chênh vênh hàng Việt lên cao

1 giờ sáng, khi màn đêm còn đặc quánh, sương mù giăng khắp núi đồi, cái rét vùng cao trong những ngày lạnh nhất của mùa đông như cắt da cắt thịt, những chuyến xe hàng bắt đầu khởi hành từ trung tâm thành phố đến huyện miền núi Ba Bể để kịp chuẩn bị cho phiên chợ vùng cao mở sáng sớm. Sự mờ mịt của đất trời, cung đường nhiều hố voi, ổ gà hay đoạn đổ đèo, khúc cua tay áo đã khiến những chiếc xe chở hàng không thể đi nhanh.

Nhớ về những ngày đầu nhận nhiệm vụ tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, chị Nguyễn Thị Vàng – nhân viên phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn - tâm sự: Bắc Kạn còn nghèo, đường giao thông khó khăn, có những vùng núi hoàn toàn không có hàng Việt nên nhu cầu của bà con rất lớn. Cả phòng Quản lý thương mại chỉ có 5 người nhưng một nửa trong số đó đã được huy động cho việc triển khai tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, đảm bảo chuyến hàng được thực hiện hiệu quả nhất. Để chuẩn bị tốt cho việc bán hàng kéo dài khoảng 3 – 5 ngày, công tác chuẩn bị phải diễn ra trước đó nhiều tháng.

Đưa hàng về khu vực nông thôn các địa phương đồng bằng đã khó khăn, đưa hàng về miền núi vất vả hơn gấp bội. Cái khó không chỉ bởi đường khó đi, chi phí vận chuyển lớn mà còn do phong tục, tập quán. Doanh nghiệp mang hàng hóa đi phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa phải chờ đến phiên chợ mới bán được hàng (5 ngày/phiên); các cụm bản, xã thường cách xa nhau. Không gian phiên chợ hẹp và vào ngày chợ, bà con đến đông nên để kiếm được địa điểm bán hàng trung tâm, vừa đủ rộng, thu hút được người tiêu dùng hoàn toàn không dễ dàng.

Xa xôi, vất vả là thế, “sự cố” cũng không hiếm. Đã có lần, do trời quá lạnh, chiếc xe chở chị Vàng chênh vênh ngược núi bị chết máy giữa đường. Giữa cái lạnh tê tái của vùng cao, xung quanh sương mù đặc quánh, một bên núi cao sừng sững, một phía thung lũng mênh mông, lái xe và hai người phụ nữ đứng chơ vơ giữa núi rừng, đầy lo lắng. Rồi dường như trời chiều lòng người, sau nhiều lần cố gắng, tiếng máy xe lại giòn giã nổ, vừa kịp đưa chị và đồng nghiệp đến kịp phiên chợ sớm.

“Khó khăn, vất vả nhưng cứ nghĩ đến việc người dân háo hức ra sao, chờ đợi thế nào, chúng tôi lại có thêm động lực đồng hành cùng những chuyến hàng Việt. Dù đôi khi, hàng hóa đồng hành cùng các phiên chợ chỉ là chai nước mắm, chiếc chậu nhựa hay cuốn vở học sinh…” - chị Nguyễn Thị Vàng chân thành chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, ông Phan Long Hoàng – Quản lý siêu thị BK Mart (Bắc Kạn) - cho hay: Hàng hóa được lựa chọn để đưa vào những chuyến bán hàng hầu hết là mặt hàng bà con có nhu cầu như: Hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng. Để hàng hóa dễ dàng đến với bà con, hàng được chọn đều có độ bền cao và giá bán cạnh tranh.

Nếu không tận mắt chứng kiến, có lẽ khó ai có thể thấy được sự háo hức của người dân khi tham gia phiên chợ hàng Việt. Từ sáng sớm, khi sương mù dần tan nhường chỗ cho ánh nắng vàng óng ả, những lớp váy Tày, áo Mường… bung xòe nô nức đến phiên chợ. Có người xuống chợ còn cắp theo lồng gà, con lợn, gùi ngô hay chục trứng để tranh thủ bán, lấy tiền mua sắm.

Bà Hứa Thị Gia – bản Lủng Quang, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể - vui mừng: Tôi đến chợ thường chọn mua hàng Việt thiết yếu như: Gia vị, nước mắm, giấy vở, đồ gia dụng… vì chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Tôi mong muốn có nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được tổ chức.

Giúp hàng Việt “bám rễ” vùng khó khăn

Không chỉ chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, tận dụng sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Bắc Kạn đang đẩy mạnh xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định nhằm giúp hàng hóa “bám rễ” sâu vùng khó khăn.

Theo ông Chu Văn Thống – Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn - dù mang lại những kết quả tích cực nhưng những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Điều quan trọng phải xây dựng được điểm bán hàng đặt sâu trong các khu dân cư để tiện lợi cho việc mua sắm của bà con.

Theo đó, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng một Điểm bán hàng Việt cố định đặt tại thành phố Bắc Kạn. Sau vài tháng đi vào vận hành, điểm bán hàng đã chứng minh hiệu quả khi mang lại rất nhiều lợi ích, vừa giúp bà con dễ dàng mua được hàng hóa thiết yếu, không phải chờ đến phiên chợ; giúp doanh nghiệp có cơ sở phân phối cố định, không phải tốn kém chi phí vận chuyển. Không chỉ phục vụ bà con trên địa bàn tỉnh, về lâu dài, đây sẽ là điểm kết nối cung cầu hàng hóa với Bắc Kạn và các địa phương lân cận.

Phát huy ưu thế của Điểm bán hàng Việt Nam cố định đã đặt tại thành phố, trong năm 2016, Sở Công Thương Bắc Kạn sẽ xây dựng thêm một điểm bán hàng tại huyện miền núi Ba Bể để phục vụ bà con trên địa bàn huyện cũng như du khách đến với địa phương. Về lâu dài, định hướng của Bắc Kạn là xây dựng nhiều hơn điểm bán hàng tại miền núi để phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân.

Từ những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, người dân khu vực miền núi Bắc Kạn có cơ hội dễ dàng sở hữu hàng hóa Việt Nam chính hãng và chất lượng. Những “điểm trắng” hàng Việt sẽ dần được lấp đầy.

Bình luận của bạn