Bất ngờ đồ chơi xuất khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) đồ chơi, dụng cụ thể thao của VN quý 1/2017 đạt 235,7 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2016. Thị trường XK chính của nhóm hàng này là Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Canada, Hàn Quốc. Đặc biệt, mức tăng trưởng của nhóm cực kỳ ấn tượng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, XK sang Hà Lan tăng mạnh nhất, tới 102%; XK sang Tây Ban Nha tăng trên 98%, sang Đức tăng 52%, sang Bỉ tăng 42%...
Nhìn vào con số XK cho thấy, đồ chơi VN đã chinh phục được các thị trường khó tính nhất thế giới. Đại diện Công ty gỗ Đức Thành, với thương hiệu đồ chơi Winwintoys XK sang Đức, Hà Lan, Nhật Bản... cho biết các nước này có nhu cầu rất lớn về các loại đồ chơi làm từ gỗ, nhưng để chinh phục được họ không đơn giản. Từ khâu nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất... đều phải đạt các tiêu chuẩn cao nhất. Tuy nhiên một khi đã được đối tác tin tưởng lựa chọn thì đây thật sự là những thị trường rất tiềm năng đối với đồ chơi Việt.
Từ năm 2011, Công ty cổ phần Robot Tosy, nhà sản xuất đồ chơi công nghệ cao của VN, đã ký hợp đồng XK 1 triệu sản phẩm đồ chơi đĩa bay Tosy AFO vào thị trường Mỹ với tổng trị giá hợp đồng gần 3,5 triệu USD. Cho đến nay, với thiết kế độc đáo, sáng tạo và giá thành hợp lý, các sản phẩm của Tosy vẫn thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà phân phối, bán lẻ đồ chơi của Mỹ. Trước đó, công ty này cũng XK đồ chơi qua Nhật, Đức...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét: “Mỹ và các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan vốn là cái nôi của công nghệ nhưng gia công tỉ mỉ không phải lợi thế của họ.
Đồ chơi VN XK thường có hàm lượng công nghệ cao, cập nhật xu thế, vượt qua các rào cản kỹ thuật khắt khe cộng thêm những chi tiết gia công tinh tế, khéo léo nên rất được ưa chuộng”.
Người Việt chê
Đổ dồn cho XK, chỉ có 5% trong tổng sản lượng đồ chơi VN bán tại sân nhà nên muốn mua cũng không dễ. Chiều qua, khi chúng tôi đi tìm mua sản phẩm con quay Tosy ở một số cửa hàng thì đều nhận được câu trả lời "không có" hay hết hàng.
Thực tế, thị trường đồ chơi trẻ em trong nước lâu nay được chia thành 2 phân khúc chính và đều do hàng nhập thống lĩnh. Ở phân khúc cao cấp, đồ chơi từ Mỹ, Đức, Nhật "bá chủ" thị trường. Những nhãn hiệu đồ chơi nổi tiếng như Barbie, Hotwheels, Disney được phân phối thông qua chuỗi cửa hàng Funny Land, nhà sách, trường học.
Công ty Việt Tinh Anh độc quyền phân phối LEGO, Siku, Moxie Girlz, K’s Kids qua chuỗi My Kingdom; An Điền chuyên phân phối đồ chơi nhãn hiệu Nhật như Tomy, Bandai, Epoch. Trong khi đó, Petrosetco có lợi thế về các thương hiệu đồ chơi Đức như BIG, Fischertechnik, Teifoc... Giá đồ chơi ở phân khúc này khá cao, từ vài trăm đến vài triệu đồng/món. Ngoài đồ chơi vận động, đồ chơi phát triển trí tuệ, các loại siêu nhân, búp bê, thú bông mô phỏng, “ăn theo” các bộ phim hoạt hình nổi tiếng đang là đối tượng chính thu hút sự quan tâm của hầu hết trẻ em.
Ở nhóm bình dân, hơn 90% các món đồ chơi từ đơn giản như trái bóng, thú nhồi bông, cho đến xe lắp ráp, đồ chơi xếp hình đều có xuất xứ Trung Quốc với giá nào cũng có, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Đồ chơi VN chỉ có vài thương hiệu như Nhựa Chợ Lớn, Long Thủy. Đáng nói, dù được xem là có lợi thế về gỗ và đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chơi gỗ thông minh, mang tính giáo dục được đánh giá cao, nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) nội chỉ chú trọng XK mà "nhẹ" thị trường nội.
Thực trạng này diễn ra lâu dần dẫn đến “mất” luôn thị trường nội. Đại diện một DN đang XK đồ chơi bằng gỗ thú thật, ông nhìn thấy được tiềm năng của thị trường trong nước, công ty cũng đã bỏ tiền tỉ đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất đồ chơi trẻ em với giá bán rẻ hơn nhiều so với hàng Trung Quốc nhưng không ăn thua, vẫn phải nhận gia công XK để lấy ngắn nuôi dài, vì lượng bán ra rất thấp.
Phải tạo khác biệt
Chuyên gia kinh tế Lê Phụng Hào cho rằng thị trường nội địa có nhiều cơ hội để DN phát triển. Lý do, tỷ lệ tăng trưởng dân số của VN tương đối cao; xu hướng các gia đình ngày càng đầu tư mạnh cho con cái, cả về giáo dục thể chất, giáo dục trí tuệ và vui chơi giải trí. Đặc biệt, trẻ em VN ngày càng sớm được tiếp cận môi trường mới thông qua các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Đây quả thật là một mảnh đất "màu mỡ". Tuy nhiên, theo chuyên gia này, “ngon ăn là vậy nhưng không phải DN nào cũng có thể chen chân vào được”.
“Đồ chơi trí tuệ thì Lego của Đan Mạch; đồ chơi giáo dục đến từ Mỹ, Đức, Anh... đều đã khẳng định được thương hiệu trên toàn thế giới nên dù giá khá cao vẫn nhận được nhiều sự lựa chọn từ phía các phụ huynh. Các sản phẩm đại trà thì Trung Quốc chiếm ưu thế bởi sự đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã bắt mắt, kích thích sự tò mò của trẻ. Lợi thế lớn nhất của đồ chơi Trung Quốc là giá rẻ. Là sản phẩm có tốc độ thay thế nhanh, nên giá vẫn là yếu tố quan trọng trong quyết định mua của người tiêu dùng và đây không phải là lợi thế của đồ chơi VN. Chính vì thế, nếu không có chiến lược rõ ràng, DN VN không cách nào chen vào được, dù là trên chính sân nhà”, ông Hào phân tích.
Theo ông Hào, DN Việt muốn có chỗ đứng buộc phải tạo ra sự khác biệt. Đầu tiên, phải nghiên cứu thị trường một cách chi tiết, hiểu rõ từng đối tượng với mức sống, đời sống như thế nào, nhu cầu thị trường là gì, cạnh tranh ra sao, rồi mới tính đến khâu sản xuất và phân phối. Với riêng hàng Trung Quốc, cần xác định không thể cạnh tranh về giá. “Hiện có rất nhiều phản hồi tiêu cực từ phía người tiêu dùng về đồ chơi Trung Quốc không an toàn, bạo lực, làm bằng nhựa kém chất lượng, hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là cơ hội rất tốt để đồ chơi VN khẳng định chất lượng và vị thế của mình trên sân nhà. Quan trọng là phải có chiến lược và hướng đi riêng”, ông Hào phân tích.