Bệ đỡ Công nghệ giúp hàng Việt Nam ra thế giới
Hàng Việt Nam hiện đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và sẽ còn chinh phục nhiều nước khác khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi.
Thế nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư công nghệ, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhiều cơ hội
Năm 2018 đánh dấu cột mốc mới về tăng trưởng xuất khẩu khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận không ít thị trường mới. Với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, ngoài những thị trường chủ lực, các doanh nghiệp cũng đang từng bước khai phá những thị trường mới, nhất là những thị trường đã cam kết cắt giảm thuế quan từ các FTA đã ký với Việt Nam. Mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đồng nghĩa với khả năng giảm rủi ro xuất khẩu cho doanh nghiệp nội.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hàng Việt Nam hiện đã có mặt tại 200 quốc gia, trong đó có 50 thị trường chủ lực. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới khi Việt Nam thuận lợi trong việc khai phá những thị trường mới.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương), nếu tận dụng tốt các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu sẽ còn rất lớn.
Với các thị trường trọng điểm như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu..., tăng trưởng xuất khẩu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Ước tính thị trường ASEAN là hơn 21 tỷ USD, Trung Quốc gần 36 tỷ USD, Nhật Bản gần 17 tỷ USD, Hàn Quốc gần 15 tỷ USD...
Không chỉ thế, nếu trong năm 2019, các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) lần lượt được thông qua thì kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này lần lượt có thể đạt ở mức hơn 361 tỷ USD và 38 tỷ USD.
Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang tạo sức hút đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực mới.
Chia sẻ tại Hội thảo "Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới?" diễn ra tại TP.HCM tuần qua, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do... tạo ra nhiều cơ hội về thị trường, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và quy mô người tiêu dùng.
Vì thế, một trong những yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp Việt là phải chủ động thực hiện các giải pháp trong đổi mới công nghệ, sản phẩm, quản trị... để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Bệ đỡ công nghệ
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ phát triển và năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Có nhiều doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã và đang đi theo xu thế về công nghệ, số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh và đã thành công.
Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc Công ty PNJ cho biết, Công ty đã sử dụng công nghệ Data Analytics để phân tích và tối ưu hóa lượng hàng tồn kho cũng như lượng hàng trên đường di chuyển. Cùng với đó, công nghệ Computer Vision kết hợp với trí tuệ nhân tạo đã biến camera an ninh bảo vệ nữ trang thành camera phục vụ khách hàng, đọc được hành vi khách hàng, nhân viên để tối ưu hóa việc phục vụ.
Cũng theo ông Thông, ngày nay cơ hội phát triển nhanh dành cho các doanh nghiệp biết khai thác công nghệ mới để vượt qua những mô hình kinh doanh truyền thống, tạo sức bật mới để cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã tung ra cùng lúc nhiều giải pháp về công nghệ như nhà thông minh, chiếu sáng thông minh..., cùng với đó là giải pháp dịch vụ trên nền công nghệ như nền tảng đặt dịch vụ tư vấn, thiết kế, thi công lắp đặt, bảo hành và giải pháp tư vấn chiếu sáng thông qua ứng dụng điện thoại. Còn tại Công ty Cỏ May là các ứng dụng công nghệ CO2, tách màu cũng như ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào khâu chế biến gạo và thủy sản.
Chia sẻ về vai trò của công nghệ trong thành công của doanh nghiệp, ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cho rằng, công nghệ cần được xác định là vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp. ABC Bakery trước đây sản xuất dựa vào kinh nghiệm, sản phẩm không ổn định nên đã nghiên cứu lại và áp dụng SOP - Standard Operating Procedure (những quy trình thao tác chuẩn) để sản xuất.
Nhờ ứng dụng này mà 5 năm qua, những người thợ mới vào làm việc vẫn có thể tiếp cận hết các quy trình không quá một ngày. Bên cạnh đó, toàn bộ đơn hàng được chuyển qua lại và thống nhất về thể thức bằng việc áp dụng phần mềm SAP, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo tính chính xác và hiệu quả.
Hiện nay, hầu hết các nước ASEAN đều có chiến lược, chính sách đào tạo và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương trong việc số hóa để nâng năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn như Malaysia có chương trình đào tạo từ 3 năm trước, Singapore có chương trình Go digital và nay là Start digital với chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Philippines, Indonesia có chính sách hỗ trợ từ vốn, kỹ năng quản lý, đặc biệt là số hóa. Thái Lan có chính sách khuyến khích áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương.
Chia sẻ thực tế đồng hành cùng doanh nghiệp nhiều năm qua, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp muốn bán được hàng hóa, muốn lên kệ hàng thế giới, bắt buộc sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ. Giới lãnh đạo doanh nghiệp phải liên kết lại để chia sẻ công nghệ, dữ liệu khách hàng, khai phá thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải theo dõi các tiêu chuẩn, sẵn sàng cho những thay đổi về tự động hóa để hội nhập thế giới. Bởi "Khi thuế bằng 0 thì hàng nước ngoài sẽ thắng bằng công nghệ”, bà Vũ Kim Hạnh nói.
Tiêu chuẩn là tiên quyết
Cùng với công nghệ, việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, bao bì, an toàn sẽ giúp hàng Việt hiện diện nhiều hơn ở các nước. Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, những năm gần đây có hơn 80% giá trị, lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn và 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết, có hơn 1 triệu tiêu chuẩn (quốc tế, khu vực, quốc gia, cơ sở) được xây dựng, công bố và áp dụng trên thế giới. Trong đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, thủ tục đánh giá sự phù hợp có thể trở thành rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu. Công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế là sự kết hợp cần thiết để tăng sức cạnh tranh. Bởi công nghệ sẽ trở nên vô dụng nếu không được thừa nhận thông qua các tiêu chuẩn quốc tế.
Trên thực tế, hàng hóa muốn được người tiêu dùng các nước chấp nhận, trước tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, để nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất thiết phải đạt tiêu chuẩn Global GAP. Tiêu chuẩn này không đơn thuần chỉ là sản phẩm sạch mà doanh nghiệp và hộ nông dân phải đảm bảo yếu tố "sạch" từ khâu nguyên liệu đầu vào (đối với sản xuất) và gieo trồng (đối với nông hộ) đến khâu sản xuất, canh tác tạo sản phẩm và vận chuyển sản phẩm đến hệ thống phân phối.
Tương tự, với sản phẩm dệt may, hiện nhiều thương hiệu may lớn trên thế giới đã thực hiện cam kết trách nhiệm với người tiêu dùng. Cam kết này buộc doanh nghiệp gia công, sản xuất sản phẩm dệt may cho các thương hiệu này phải chuyển đổi quy trình sản xuất, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và giảm thiểu chất thải... Hay như để xuất khẩu sản phẩm chế biến lương thực, thực phẩm vào thị trường Mỹ phải đáp ứng Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo chuyên gia về an toàn thực phẩm Nguyễn Thị Thanh, chương trình Local GAP được thừa nhận rộng rãi ở hầu hết các thị trường khó tính trên thế giới. Theo đó, sản phẩm được chứng nhận Local GAP sẽ được tổ chức Local GAP cấp mã số GLN (Localgap Number) và được đăng thông tin sản phẩm trên website của G.G.
Điều này góp phần tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác trên phạm vi toàn cầu.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp, hợp tác với Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng các Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bộ cũng cam kết đồng hành với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện các giải pháp, sáng kiến mới để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.