Bộ Công thương trả lời chất vấn về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Bộ trưởng Công Thương đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 87/2014/QH13 trong phát triển công nghiệp hỗ trợ; chống buôn lậu, hàng giả; tiêu thụ nông sản; phát triển hệ thống bán lẻ; và cụ thể là việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Ảnh minh họa

Hàng năm, Bộ Công Thương đều xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động (các Kế hoạch được ban hành theo các Quyết định số 1170/QĐ-BCT ngày 14/3/2011; Quyết định số 1570/QĐ-BCT ngày 29/3/2012; Quyết định số 1526/QĐ-BCT ngày 13/3/2013; Quyết định số 1544/QĐ-BCT ngày 25/2/2014; Quyết định số 2457/QĐ-BCT ngày 16/3/2015).

Ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”giai đoạn năm 2014 - 2020. Trong đó, nhóm các giải pháp, chương trình hành động chủ yếu sẽ được tập trung triển khai thực hiện bao gồm các nhóm Chương trình: (i) Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; (ii) Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam ổn định và bền vững; (iii) Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua nhiều hoạt động thiết thực:

- Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng... Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%). Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có trên 90% là hàng sản xuất trong nước. 

- Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng tăng lên, trong 5 năm qua, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu mang lại là hơn 34,47 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia...

- Bộ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và trong ngành Công Thương triển khai thực hiện hiệu quả “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” đã được ký ngày 9/10/2012. Các tập đoàn, tổng công ty còn mở rộng việc ký kết các hợp đồng với các công ty, đơn vị sản xuất trong nước đối với nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa. Tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của các tập đoàn, tổng công ty ngày càng tăng cao, trong đó tỷ lệ này tại nhiều đơn vị đã trên mức 50%...

- Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các dịp thị trường có tính cao điểm như các dịp nghỉ lễ, tết, khai trường...

- Tiếp tục chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm tạo cơ hội cho hàng hoá Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.

Bình luận của bạn