Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, Báo Lao động phối hợp tổ chức hội thảo: Hành động để người dân được tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn

Bằng mắt thường, người dân không thể phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn nhiễm chất cấm salbutamol dùng trong chăn nuôi. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Hôm nay (26.7), hội thảo “Hành động để dân được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn” do Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Báo Lao Động phối hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Trước tình trạng lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi... diễn ra tràn lan, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, cần phải làm gì để người dân được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn?

Thực phẩm “bẩn” gây ung thư, quái thai

Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, trong các loại rau, thì có 8 loại chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhất gồm: Rau cải, các loại quả đỗ, dưa chuột, giá đỗ, cà chua, khổ qua, rau muống, rau ngót… Các loại trái cây, cá, thịt, bún, miến… cũng bị một số tư thương vô lương tâm sử dụng hóa chất để bảo quản.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Trường ĐHBK Hà Nội, formaldehyde là chất kịch độc, không sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, vì có tính sát trùng cao nên gian thương sử dụng để bảo quản thực phẩm. Ngoài các biểu hiện thể nhẹ, formaldehyde còn gây ra tình trạng quái thai. Một loại chất cực độc khác dùng bảo quản thịt là clorin - chất này gây kích thích mạnh hệ hô hấp. Ở một nồng độ cao hơn 60ppm thì nó có thể gây phá huỷ phổi. Nếu hít thở với nồng độ trên 1.000ppm hoặc ăn vào với hàm lượng tương đương có thể gây tử vong.

Hai chất NaNO3 và NaNO cũng thường được dùng bảo quản thực phẩm là nhóm tác nhân có thể gây ra ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng bởi nó có thể gây ra đột biến DNA và sự thoái biến tế bào. Hợp chất này có nguy cơ gây ra các biến thể bệnh lý khác của DNA như bệnh Alzheimer, Parkinson do nó làm sai lạc hay biến đổi DNA bởi tác dụng của các nitrosamin, các hợp chất sinh ra khi thêm các nitrat vào những thực phẩm giàu protid.

Kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad (Bộ NNPTNT), cho thấy: Tỉ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%. Điều này cho thấy, vấn nạn nông sản, thực phẩm bẩn đã được quan tâm xử lý, nhưng… không xuể, dù trong 6 tháng qua, hàng tấn nội tạng hôi thối, mỡ bẩn, thịt chứa salbutamol, măng ngâm chất vàng ô… đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý.

Hành động để “Nông sản Việt không bẩn”

Ở VN, DN chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa chiếm 97-98% tổng số trang trại chăn nuôi ở Việt Nam, tính phi chính thức lớn, quản trị doanh nghiệp yếu, công nghệ thấp kém khó tiếp cận nguồn vốn, thị trường… Trong đó, một số DN đã không thực hiện đúng quy trình ATTP. Ông Lê Bá Lịch - chuyên gia nông nghiệp cao cấp - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Hiện nay chưa doanh nghiệp FDI nào liên kết với DN Việt Nam, hợp tác tổ chức chuỗi sản xuất cung ứng dịch vụ chăn nuôi. Vì vậy, DN chăn nuôi Việt Nam âu lo hội nhập là không tránh khỏi”.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) - cũng cho rằng, nông sản Việt nói chung và hàng thủy sản nói riêng đang bị “đánh đồng” là “bẩn” một cách vô lý. Muốn giải quyết được điều này cần phải tái cấu trúc. Trong đó, cần đẩy mạnh các yếu tố: Liên kết tạo nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng, được kiểm soát. Áp dụng triệt để và ưu tiên kiểm soát ATTP theo HACCP tại nhà máy chế biến HACCP (HACCP là hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đáng kể đối với an toàn thực phẩm) - đây là mấu chốt để tạo ra sản phẩm an toàn cho người dân. Kiểm soát chặt và công khai về chất lượng đối với “nguồn nguyên liệu”, đặc biệt là vấn đề “kháng sinh”, “tạp chất”… Khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm ATTP. Kiểm soát chất lượng đầu vào, kiên quyết không kinh doanh hàng kém chất lượng...

Ngoài ra, “hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sáng tạo sản phẩm mới, hỗ trợ các hoạt động truyền thông quảng bá xây dựng thương hiệu Việt, đẩy mạnh chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”... - ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm. Còn ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội cho rằng, “đối với người tiêu dùng, cần sử dụng các quyền lực mềm để tẩy chay những doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vi phạm ATTP, ủng hộ những đơn vị làm ăn nghiêm túc trên thị trường...”.

Bình luận của bạn