Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ 'chấm' xoài Việt Nam
Trong cuộc trao đổi ngắn với báo giới hôm 26.4, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ hai lần nhắc tới trái xoài, đánh giá rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là cơ hội lớn cho xoài Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Cơ hội kéo dài “danh sách 4”
[Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ 'chấm' xoài Việt Nam - ảnh 1]
TPP là cơ hội cho Việt Nam và Mỹ, không chỉ giúp tăng cường quan hệ giữa hai nước mà còn gửi một thông điệp đến các quốc gia khác rằng chúng ta không quá phụ thuộc vào việc giao thương với các quốc gia đó. Đây cũng là thông điệp hay ho chúng ta muốn gửi đến Trung Quốc rằng chúng ta không nhất thiết phải giao thương với Trung Quốc. Chúng ta có thể giao thương với phần còn lại của thế giới và đem lại lợi nhuận
[Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ 'chấm' xoài Việt Nam - ảnh 2]
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsak
“TPP là cơ hội để người tiêu dùng các nước hiểu biết thêm về sản phẩm của các nước thành viên khác. Đó là cơ hội để các nước thấy được những sản phẩm độc đáo, đặc biệt, chất lượng cao ở Việt Nam. Xoài là một ví dụ. Nhu cầu tại Mỹ đang tăng cao cho những loại nông sản như thế này trong khi chúng tôi không trồng được chúng hoặc chỉ trồng được trong một thời vụ ngắn. Khi trái xoài (Việt Nam) được nhập khẩu vào Mỹ, người tiêu dùng Mỹ sẽ có thêm nhiều lựa chọn”, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsak khẳng định
Được biết xoài cùng với vú sữa là 2 loại trái cây mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN-PTNT) đang hối thúc Mỹ cấp phép nhập khẩu vào nước này. Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Mỹ đối với 2 loại trái cây này. Được biết cho đến nay chỉ mới có 4 loại trái cây của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn và gần đây nhất là vải.
Nhưng cơ hội để gia tăng danh sách đó, theo ông Vilsak không chỉ có xoài. Sau khi đi một vòng siêu thị Co.opmart tại quận 7, TP.HCM ông Vilsak nhận định: “Người Mỹ thích thay đổi giữa nhiều loại rau củ khác nhau. Tôi vừa thấy nhiều loại rau củ có tiềm năng sẽ trở nên phổ biến ở Mỹ đang nằm ở đây”.
Nhưng ông lấy xoài là một ví dụ để minh chứng rằng TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân Việt Nam. Ông dẫn một nghiên cứu gần đây đánh giá rằng TPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm 10% nhờ tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
“Toàn là cơ hội việc làm”
Bộ trưởng Vilsak lạc quan: “Lý do đằng sau nó rất đơn giản: TPP là cơ hội để tạo thêm thị trường cho nông nghiệp Việt Nam, sẽ giúp tăng trưởng, củng cố nền nông nghiệp nói chung… Có người sẽ trồng cây trái để xuất khẩu, người khác sẽ vận chuyển nó, người sẽ đóng gói nó, chế biến nó, gửi nó ra nước ngoài… Đó toàn là cơ hội việc làm… Tác động tích cực tương tự cũng sẽ diễn ra ở Mỹ, chúng tôi cũng sẽ có những cơ hội mới”.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, Mỹ hiện là thị trường nông sản lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,69 tỉ USD, nhập khẩu 1,4 tỉ USD. Kim ngạch thương mại nông sản giữa hai nước đang ngày càng tăng nhanh ngay cả thời gian “tiền TPP”.
500.000 USD năm để chiếu xạ trái cây
Tuy nhiên, bức tranh không mang chỉ một màu hồng. Dẫu TPP có hiệu lực sẽ đồng nghĩa với việc gỡ bỏ đến 90% các loại thuế đánh vào hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên, rào cản kỹ thuật vẫn còn “sừng sững” ở đó, có thể sẽ còn ngày một khắt khe hơn, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Có thể thấy ngay trong chuyến thăm ngắn ngủi tại siêu thị Co.opmart, các câu hỏi chủ yếu của ông Vilsak với đại diện siêu thị toàn xoay quanh vấn đề an toàn thực phẩm như nguồn gốc, các tiêu chuẩn an toàn với rau củ… Đó cũng chính là những rào cản cực kỳ khó vượt với hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Trong cuộc làm việc trước đó với Bộ trưởng Vilsak hôm 25.4, Bộ NN-PTNT đã nêu ra rất nhiều trở ngại và đối xử không công bằng với hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Chẳng hạn quy trình cấp phép nhập khẩu trái cây Việt Nam quá phức tạp, kéo dài và tốn kém. Chỉ riêng phí để chuyên gia Mỹ chiếu xạ trái cây đã hết chừng 500.000 USD/năm mà như đã nói trên, đến nay chỉ mới có 4 loại trái cây “lọt” vào được thị trường Mỹ.