Cá tra thuận đường sang Mỹ
Việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là một tin vui cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Tín hiệu lạc quan
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - nhận định: Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ mang nặng yếu tố bảo hộ nên việc Thượng viện Mỹ bãi bỏ là phù hợp với xu hướng tự do hóa thương mại trong WTO và trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một tin vui cho DN xuất khẩu cá tra đồng thời giảm áp lực cho các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Cũng theo ông Trương Đình Hòe, nếu Hạ viện Mỹ thông qua, gần như chắc chắn Tổng thống Barack Obama sẽ ký Sắc lệnh ban hành việc hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn trong Luật Nông nghiệp 2014.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết - nguyên Giám đốc Sở Công Thương An Giang - cho biết, Chương trình giám sát cá da trơn được xóa bỏ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu cho ngành thủy sản An Giang bởi đây là thị trường lớn, có nhu cầu cao, giá tốt. Bà Tuyết cho biết thêm, những năm trước, xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ của DN An Giang chiếm 60% trên tổng lượng thủy sản xuất khẩu toàn tỉnh nhưng từ khi Mỹ áp dụng Chương trình giám sát cá da trơn, xuất khẩu đã sụt giảm mạnh và tới năm 2015 chỉ chiếm khoảng 30%.
Đại diện một DN xuất khẩu cá tra tại Tiền Giang chia sẻ, nếu Chương trình giám sát cá tra được hủy bỏ, DN này có thể đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu sang Mỹ. Theo vị này, nhiều năm nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như ASC, GlobalG… Những tiêu chuẩn này đều có yêu cầu cao về môi trường nuôi, thức ăn, chế biến, trách nhiệm xã hội nên khi thị trường Mỹ “rộng cửa”, hoàn toàn có thể tính tới việc mở rộng xuất khẩu vào Mỹ.
Doanh nghiệp thận trọng!
Theo ông Trương Đình Hòe, hiện chỉ có Thượng viện Mỹ bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn nên DN không nên chủ quan. DN cần phải tính tới tình huống tương tự từng diễn ra vào năm 2013, khi đó, Thượng viện Mỹ bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn nhưng không được Hạ viện Mỹ đồng ý. Do vậy, chương trình này vẫn tiếp tục kéo dài và gây tranh cãi trong cả nội các Mỹ và giới chuyên gia, DN.
Trong khi chờ đợi kết quả từ Hạ viện Mỹ, DN không được lơ là, phải chuẩn bị tinh thần thay đổi và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khó khăn nhất của phía nhà nhập khẩu.
Ông Hòe khuyến cáo, Mỹ có bãi bỏ hay không thì quan trọng nhất, DN Việt vẫn phải chứng tỏ năng lực của mình bằng những sản phẩm chất lượng; xây dựng được hệ thống chuỗi liên kết từ con giống, nuôi trồng, thức ăn, chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt, phải đầu tư chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao và nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng Mỹ.