Các tỉnh ĐBSCL tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp
Xác định hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) sẽ giúp cho doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những chương trình cụ thể, thiết thực để hỗ trợ DN.
Ông Lê Văn Khê, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre - cho biết, XTTM là hoạt động được Sở Công Thương Bến Tre chú trọng và triển khai tích cực ngay từ đầu năm.
Theo đó, sở đã vận động các cơ sở, DN đăng ký tham gia Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu năm 2017 tại Hà Nội và cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2017 tại Đồng Nai. Sở cũng hỗ trợ 4 DN tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Hội chợ Vietnam FoodExpo 2017; qua tham gia hội chợ, doanh thu của các DN đã đạt được 300 triệu đồng và có 2 hợp đồng được ký kết.
Ngoài ra, sở còn tổ chức cho DN tham gia gian hàng tại Hội chợ nông sản sạch tại Hội chợ triển lãm Cần Thơ. Phối hợp với Hội nông dân tỉnh chuẩn bị tổ chức chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa các nhà phân phối TP. Hồ Chí Minh và các hợp tác xã tại tỉnh Bến Tre... Đặc biệt, để công tác XTTM đi vào chiều sâu, có hiệu quả, Sở Công Thương đã chiêu sinh lớp đào tạo nâng cao năng lực quản trị DN và chuẩn bị tổ chức lớp tập huấn “Cách tiếp cận thị trường cho nông dân” tại huyện Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm…
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An - cho hay, thời gian qua, sở đã phối hợp với các địa phương tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và điểm bán hàng nông sản sạch cho DN trong tỉnh như: tổ chức Hội thảo tiêu thụ chanh ở Bến Lức, tổ chức đoàn XTTM của tỉnh đến làm việc với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Saigon Co.op và Công ty Vissan để tiêu thụ thịt heo. Từ đó giúp các DN, HTX ký kết các hợp đồng tiêu thụ với những DN lớn của TP. Hồ Chí Minh; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đồng thời khuyến khích người dân thay đổi mô hình sản xuất theo hướng VietGAP.
“Trong các hoạt động hỗ trợ kết nối, việc hợp tác thương mại với TP. Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả cao nhất. Theo thống kê của chúng tôi, từ các hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu tại Long An và TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã có 22 hợp đồng kinh tế được ký kết và được thực hiện. Với kết quả này, chúng tôi đang triển khai tiếp những kế hoạch hợp tác mới với TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho DN”, ông Hồng cho biết thêm.
Tương tự, các tỉnh, thành phố khác như Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang... cũng có những chương trình XTTM riêng để hỗ trợ DN. Tại tỉnh Hậu Giang, thống kê của ngành Công Thương Hậu Giang cho thấy, trong 9 tháng qua, tỉnh này đã tổ chức hàng trăm đoàn cho các DN trong tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước như: Tham gia Hội chợ triển lãm tôn vinh hàng Việt năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ “Festival quốc tế nông nghiệp vùng ĐBSCL” tại TP. Cần Thơ; Hội chợ thương mại - triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn gắn với kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Trà Vinh năm 2017… Tổ chức đoàn giao thương, XTTM giữa Hậu Giang với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; Vận động DN, HTX tham gia Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào năm 2017 tại tỉnh Savannakhet, Lào; Tổ chức đoàn giao dịch XTTM tại San Francisco, Chicago (Hoa Kỳ)…
Theo đánh giá các Sở Công Thương, dù kinh phí cho công tác XTTM còn hạn chế nhưng các sở đã thường xuyên chủ động hỗ trợ, tập huấn thông tin tiếp cận thị trường cho các DN, qua đó giúp DN thấy được hiệu quả của XTTM và có hướng thực hiện hiệu quả.