Cải thiện chuỗi sản xuất, phân phối để nâng tầm hàng Việt


Quan hệ giữa các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa với các nhà phân phối trong nước cần được cải thiện để hàng Việt chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng thuận tiện hơn.

Có mặt tại Hội nghị: “Kết nối các doanh nghiệp sản xuất phân phối thực phẩm Việt an toàn, chất lượng” diễn ra sáng nay, 5/10/2016 tại Hà Nội, nhiều đại diện đến từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, …đều có chung thừa nhận, quan hệ giữa các nhà sản xuất hàng Việt với các nhà phân phối hiện còn khá lỏng lẻo, để hàng Việt có cơ hội  tỏa rộng hơn tới tay người tiêu dùng.

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, tính đến nay đơn vị đã tư vấn, xây dựng được 19 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi ngày các chuỗi tham gia tiêu thụ 392 nghìn quả trứng, 22,4 tấn thịt lợn, 10,8 tấn gia cầm, 100 tấn sữa... Dẫu vậy,  sự liên kết giữa các chuỗi hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho hay, dù đã rất nỗ lực để xây dựng chuỗi bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm thịt, nhưng thực tế thị trường có quá nhiều điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống ở các khu dân cư, chợ truyền thống, với ưu điểm nổi trội về giá, nên sản phẩm từ các cửa hàng thực phẩm an toàn rất khó cạnh tranh.

Thêm cái khó được ông Tường chỉ ra, những doanh nghiệp nằm trong chuỗi bán lẻ thực phẩm hiện có mới dừng lại ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng nhỏ lẻ với người chăn nuôi, chưa liên kết từ gốc, nghĩa là từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, cung cấp đầu vào (thức ăn, thuốc…)…

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế không những cần ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng, đẩy mạnh xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới các kênh bán lẻ trong nước, nhưng hiện khâu này ở nước ta vẫn yếu”, ông Tường nói thêm.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tại Việt Nam, cứ 69.000 người mới có một cửa hàng tiện ích trong khi tại Hàn Quốc là 1.800 dân có một cửa hàng. Trong khi nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu của người dân vẫn là chợ cóc, chợ truyền thống khó kiểm soát được chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, cùng với đó là các nhà phân phối bán lẻ vẫn chưa có sự liên kết trong khâu tiêu thụ. 

Thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, 60% lượng hàng hóa bán tại hệ thống bán lẻ trong nước được cung cấp bởi các nhà sản xuất trong nước, trong khi nguồn cung hàng nhập khẩu là 31%, chỉ 1% hàng hóa mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp, còn lại là nguồn hàng không xác định.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thực trạng kết nối sản xuất, phân phối trong nước còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc tiêu thụ thực phẩm ở cả kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống, thành thử chưa giải quyết được bài toán cung – cầu, sản lượng hàng hóa và đảm bảo cung ứng thường xuyên còn lẻ tẻ, rời rạc.

Thị trường bán lẻ trong nước chưa bao giờ chứng kiến làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…mạnh mẽ như thời gian qua, đi kèm theo đó là áp lực về câu chuyện hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường, nếu các nhà sản xuất, phân phối không liên kết bền chặt hơn.

“Trước khi các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối tìm đến với nhau và kết nối được ở tầm chuyên nghiệp, theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp, cần tổ chức nhiều hơn những Hội nghị kết nối, đưa hàng Việt về nông thôn. Thời gian qua, đã có nhiều Hội nghị đưa hàng về nông thôn, nhưng làm chưa thường xuyên và ngắt quãng” theo bà Loan.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng chia sẻ câu chuyện không mới về những gặp khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị, bởi chiết khấu cao, nhiều khoản chi phí không chính thức để hàng được đưa lên kệ…

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Sỹ Danh Phúc, Giám đốc của Fivimart Trúc Khê cho rằng,  những năm qua, Fivimart nỗ lực ở mức cao nhất để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối, thông qua những chiến dịch ký kết hợp đồng với nhà nông đưa các sản phẩm nông sản vùng miền đến với người tiêu dùng, thậm chí siêu thị còn hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, tổ chức các chương trình giảm giá, tặng hàng để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng nông sản, thực phẩm Việt theo tiêu chí chất lượng tốt, giá hợp lý.

Ông Phúc cũng lưu ý các  doanh nghiệp sản xuất muốn tiêu thụ sản phẩm tốt cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, chiếm lĩnh và duy trì thị trường bằng chính sách chất lượng, cải tiến công nghệ, giảm giá thành, cam kết cung cấp sản phẩm đúng hẹn...để có mối quan hệ tốt với các nhà bán lẻ.

Có một thực tế, là Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại đa phương và song phương, như FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu.. đã có hiệu lực, đi kèm theo đó là hàng nông sản, thực phẩm với thuế giảm sẽ vào thị trường dễ dàng hơn.

Đây là thách thức lớn cho hàng Việt, cụ thể là các doanh nghiệp nếu không có sự cải tiến mẫu mã, chất lượng, quản lý quy trình sản xuất phù hợp để giá thành sản phẩm cạnh tranh được với hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa.

Bình luận của bạn