Cần thay đổi chiến lược thương mại nông sản Việt

Đó là một trong những nhận định của PGS.TS Đỗ Thị Phi Hoài, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Tài chính trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TBTCVN về một số dự báo và khuyến nghị phát triển thương mại nông sản Việt Nam.

Chú trọng chất lượng hơn số lượng

Dù gặp nhiều biến cố về môi trường, thời tiết, biến đổi khí hậu, song kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2016 vẫn đạt khoảng 31 tỷ USD. “Với việc Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu nông sản sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá. Trong năm 2017, mục tiêu xuất khẩu hàng hóa ngành nông, lâm, thủy sản là 31,5 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 15,4 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 7,3 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản 7,1 tỷ USD, các mặt hàng khác khoảng 1,7 tỷ USD”, bà Hoài nhận định.  


 

Theo bà Hoài phân tích: Gạo là một mặt hàng chủ lực trong nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu. Trong năm 2016, sản lượng gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh đã tác động đến sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Do đó, cần phải có nhiều giải pháp để tháo gỡ những rào cản xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Một trong số những giải pháp mang tính chiến lược, đó là thay vì việc bất chấp giá cả, chất lượng để nâng bằng được sản lượng xuất khẩu lên 6,7 triệu tấn/năm, các doanh nghiệp Việt phải chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, định vị sản phẩm gạo và tối ưu hóa chất lượng gạo xuất khẩu.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, chỉ cần xuất khẩu ở mức 2 - 3 triệu tấn/năm nhưng chất lượng tốt, giá trị cao.  Sản lượng gạo xuất khẩu năm qua giảm mạnh không thuộc nguyên nhân do tăng giá, mà thị trường từ chối đối với gạo chất lượng không cao. Do vậy phải tìm biện pháp tăng chất lượng gạo, tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại. Không chỉ riêng đối với sản phẩm gạo mà đối với tất cả các sản phẩm nông sản khác, các doanh nghiệp Việt cũng cần phải đầu tư hơn vào khâu lựa chọn giống chất lượng cao và chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là hai yếu tố quan trọng để việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường thế giới tăng trưởng bền vững.
“Năm 2017, nhiều FTA có hiệu lực cũng tạo ra hàng loạt cơ hội cho xuất khẩu nông sản. Với những thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc chúng ta cũng đang có khả năng tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, quan trọng là các doanh nghiệp Việt cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng”, bà Hoài nói. 

Về rau quả, thị trường nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chiếm trên 70% thị phần. Năm 2016, xuất khẩu rau quả đạt tới 2,6 tỷ USD. Tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này còn khá lớn  và là một điểm sáng trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2017. 

Về thủy sản, mục tiêu năm 2017 là phát triển bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân. Kế hoạch 2017 được đặt ra là giá trị sản xuất sẽ tăng 2,3 đến 2,6 %; sản lượng đạt 6.900 nghìn tấn.   

Đa dạng thị trường 

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính nông sản của Việt Nam. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nói chung xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp, chủ yếu là cao su, sắn, hạt điều, rau quả tươi, thủy sản. Song thị trường Trung Quốc luôn tiềm ẩn những rủi ro, do những thay đổi bất ngờ trong chính sách nhập khẩu. 

Đối với Mỹ, mặc dù là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai các mặt hàng nông sản Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường có hệ thống luật pháp phức tạp với nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại, đồng thời với chính sách mới của Tổng thống Donal Trump, không dễ gì tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong năm 2017. Cần phải sớm có sản phẩm trái cây mới, đủ tiêu chuẩn để được cấp phép vào thị trường Mỹ như xoài và vú sữa. 

Thị trường Nhật Bản đòi hỏi rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Thêm nữa, do chưa có cơ chế thừa nhận lẫn nhau về chất lượng nông, lâm, thủy sản và hàng hóa giữa hai nước nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian làm thủ tục, làm tăng chi phí, tăng giá sản phẩm. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải đẩy nhanh tiến độ xúc tiến các thủ tục và chặt chẽ trong khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Năm 2017 sẽ vẫn đem đến những dự báo tốt cho xuất khẩu cà phê, chè, tiêu, điều, thủy sản… nhưng không có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam đã yên tâm về chất lượng hàng nông sản của mình. Bên cạnh đó, để thoả mãn nhu cầu cho thị trường nội địa, việc nâng cao chất lượng hàng nông sản tiêu thụ trong nước cũng rất quan trọng bởi đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 

Bình luận của bạn