Cấp thiết định danh hàng Việt

Hiện nay, việc xác định thế nào là hàng Việt ngay trên thị trường nội địa không hề đơn giản do hành vi gian lận ngày càng tinh vi, hệ thống pháp luật còn nhiều lỗ hổng. Bên cạnh đó, những con số thống kê về hàng Việt chiếm lĩnh trên thị trường cũng chưa hoàn toàn chính xác. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.    

Con số thống kê hàng Việt chưa chính xác

PV: Thưa ông, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo dự thảo, hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam trong các trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Đây là quy định hết sức cần thiết, bởi hiện nay, việc xác nhận xuất xứ hàng hóa tại nước ta đang rất nhập nhèm, lộn xộn, trong khi công tác thống kê không chính xác.

Cần phải hiểu rõ thế nào là hàng Việt Nam, thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam? Theo quan điểm của tôi, những sản phẩm thuần túy như sản phẩm nông nghiệp gồm trồng trọt, chăn nuôi thì chắc chắn là hàng Việt. Thế nhưng, những sản phẩm công nghiệp rất dễ bị lẫn lộn.

Tôi đã góp ý với dự thảo, hàng của Việt Nam phải là những hàng do ý tưởng thiết kế, mẫu mã, tất cả các bộ phận chính trong sản phẩm công nghiệp đó phải do người Việt nghĩ ra, sản phẩm được đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ với thế giới và trong nước. Hàng đó có thể sản xuất ở bất cứ đâu, trong nước cũng như nước nào đó, nhưng không trộn lẫn vào đâu được vì nó là ý tưởng của người Việt, bản quyền không ai được phép sao chép. Những loại sản phẩm hàng hóa này mới chính xác là hàng Việt, không có kiểu nhập nhèm “hồn Trương Ba da hàng thịt”. 

Còn hàng các nước sang đây lắp ráp mà các bộ phận chính của người ta, như máy tính bảng, điện thoại Samsung của Hàn Quốc, xe máy Honda của Nhật Bản… đó là hàng sản xuất tại Việt Nam chứ không phải hàng Việt Nam, vì nếu những nhà máy đó rút đi sang nước khác thì đâu phải hàng Việt Nam nữa. 

PV: Trong báo cáo tổng kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” mới đây đưa ra con số về tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước là trên 80%. Là một người gắn bó với thị trường bán lẻ nhiều năm, ông nhận xét gì về những con số này?

Ông Vũ Vinh Phú: Thống kê hàng Việt Nam chiếm đến 80% trong các siêu thị là không đúng. Hiện nay, hàng công nghiệp bán trên thị trường nội địa, chỉ riêng hàng điện máy xuất xứ Thái Lan đã chiếm thị phần tới 62%. Cùng với đó, hàng Trung Quốc như đồ chơi trẻ em, điện tử điện lạnh, may mặc… cũng chiếm thị phần rất lớn.

Ở chợ truyền thống, hàng thực phẩm tươi sống Việt Nam chiếm đến 80-90% (thống kê của Bộ Công Thương là 60%), hàng công nghiệp tiêu dùng nước ngoài chiếm 80-90%. Ở siêu thị, nhóm hàng điện máy, dụng cụ gia đình… nước ngoài chiếm 70-80%, hàng tươi sống rau củ quả trong nước chỉ chiếm khoảng 50%. Ví dụ, ở siêu thị Lotte, 70% diện tích bày bán hàng nông sản nhưng hàng Việt chỉ chiếm một góc khiêm tốn, hàng nhập khẩu rất nhiều. 

Theo tôi, cần phân loại chứ không phải gom hết vào thành hàng Việt để làm con số báo cáo. Giả dụ nhiều doanh nghiệp FDI rút đi thì con số về hàng Việt sẽ phải tính như thế nào?

Người tiêu dùng Việt quá dễ dãi 

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến hàng Việt đang bị lép vế trước hàng nhập khẩu?

Ông Vũ Vinh Phú: Thời gian gần đây, hàng hoa quả, hải sản nhập khẩu từ Mỹ và nhiều nước không ngừng tăng, dự báo sẽ ồ ạt tràn vào nước ta trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đồng loạt có hiệu lực, thuế nhập khẩu về 0%. Đáng chú ý, giá trị của hàng Việt so với các nước khác thấp hơn rất nhiều. 1kg táo xanh của Việt Nam chỉ 30.000 đồng, 1 nải chuối chỉ khoảng 20.000-25.000 đồng… trong khi hầu hết các loại quả nhập khẩu như cherry Mỹ, táo đỏ, nho… giá lúc nào cũng trên vài ba trăm nghìn đồng, thậm chí tới cả triệu đồng 1kg.

Khâu phân phối của chúng ta cũng đang có rất nhiều vấn đề phải bàn. Ví dụ, đối với nông sản Thái Lan, từ xoài, măng cụt, nhãn, sầu riêng, giá chỉ đắt hơn nông sản Việt 5-10% nhưng họ tiếp thị rất tốt nên số lượng sản phẩm bán từ các siêu thị đến chợ không hề nhỏ. 

Mới đây, tôi có dịp làm việc với ban quản lý và các tiểu thương chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Có tiểu thương cho biết, hàng Việt giá cao, chất lượng chỉ… vừa phải, nhưng khi vào chợ lại đòi hỏi rất cao, như một thương hiệu giày Việt vào chợ yêu cầu phải có mặt bằng 100m2, rất khó đáp ứng. Trong khi hàng các nước giá rẻ thì tìm mọi cách chen vào, không quan trọng mặt bằng to nhỏ, thậm chí có nhiều mặt hàng không cần ứng vốn. 

Nếu hàng Việt nếu không chịu vươn lên mà chỉ “một mình một chợ” thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà là điều khó tránh khỏi.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự “thông thái” của người tiêu dùng Việt hiện nay?

Ông Vũ Vinh Phú: Nhiều hàng hóa trên thị trường hiện nay đã cố tình thêm các thông tin như: công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…, ví dụ như trường hợp Khaisilk bán hàng Trung Quốc gắn mác “made in Vietnam”. Người tiêu dùng Việt Nam rất sính ngoại, thấy những cửa hàng sang trọng với biển hiệu tiếng nước ngoài, hàng hóa có chữ nước ngoài thì rất tin tưởng mà không biết được thực tế nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ đâu. Ví dụ như trường hợp Công ty CP Con Cưng bị phạt 250 triệu đồng do có 11 hành vi vi phạm, trong đó hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ sử dụng; kinh doanh hàng hóa trên nhãn có thông tin khác không đúng bản chất về hàng hóa đó… Cũng có trường hợp in nhãn mác trực tiếp lên hàng hóa nhưng theo kiểu “lập lờ đánh lận” với người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng Việt hiện nay đang có tâm lý mua vội, sính ngoại, quá dễ dãi trong tiêu dùng. Cơ quan quản lý lại không “chăm chút”, bảo vệ, giúp đỡ các thương hiệu bán lẻ tử tế. Ranh giới giữa thương hiệu tử tế và không tử tế tất mỏng manh. Thương hiệu tử tế thì ít được tuyên dương; thương hiệu không tử tế, doanh nghiệp làm ăn không tử tế ít bị xử phạt. Cần xây dựng những tập đoàn bán lẻ Việt làm ăn tử tế, có trách nhiệm với hàng hóa Việt, người tiêu dùng Việt, đồng thời có đủ sức dẫn dắt thị trường bán lẻ và góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Bình luận của bạn