Chăm chút cho người tiêu dùng nhí

"Các cháu không chỉ là thế hệ tiêu dùng tương lai của hàng Việt, mà có thể cũng chính là chủ nhân của những thương hiệu Việt mạnh trong tương lai”.

Trong buổi trưa gắt nắng cuối tháng 5, dắt con gái quanh các gian hàng bày bán sản phẩm bình ổn thị trường, chị Hoàng Thị Thanh Thúy - phụ huynh bé Anh Thư (lớp 2/6 Trường Cách Mạng Tháng Tám) - khẽ bảo: “Con thấy không, toàn hàng Việt mình đấy. Chất lượng tốt lắm!”.

Dù nắng nóng, tại khuôn viên của Phòng giáo dục - đào tạo quận Tân Bình (97 Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình) - nơi diễn ra Ngày hội kết nối giữa doanh nghiệp với các trường trên địa bàn Q.Tân Bình - cũng nhộn nhịp người mua sắm. Các gian hàng đồ dùng học tập, cặp sách của Công ty Nhân Văn, Trương Vui được phụ huynh ghé mua nườm nượp.

alt

Phụ huynh, học sinh chọn mua hàng Việt bình ổn với giá giảm 10-30% tại

Ngày hội kết nối giữa doanh nghiệp với các trường trên địa bàn Q.Tân Bình

Chọn mua đầy đủ mặt hàng phục vụ năm học mới, chị Thúy hồ hởi khoe: “Mùa tựu trường trước, cháu nhà tôi nằng nặc đòi mua những cặp sách màu sắc bắt mắt in hình nhân vật hoạt hình cháu yêu thích. Khi ấy, hàng Việt thiếu mẫu mã nên đành mua hàng Trung Quốc. Nhưng năm nay những sản phẩm dụng cụ học tập từ cặp sách, tập vở, bàn học sinh... của doanh nghiệp trong nước mẫu mã rất phong phú. Đi một vòng là mua đủ”.

Chị Thúy cũng cho hay tâm lý chuộng hàng ngoại đã định hình trong tư tưởng của thế hệ chị do thời gian dài hàng Việt khan hiếm. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, giá thành các mặt hàng trong nước cũng cạnh tranh không kém hàng ngoại.

Không riêng chị Thúy, việc truyền tâm lý “chọn hàng Việt” cho thế hệ tiêu dùng tương lai được chị Minh Anh (Q.Phú Nhuận) dẫn chứng khá cụ thể.

“Những ngày hội liên kết này rất có ích khi phụ huynh chúng tôi có sản phẩm ví dụ cụ thể để chia sẻ với các cháu. Bởi hiện nay có rất nhiều hội chợ, triển lãm mang danh tôn vinh hàng Việt nhưng đa số bày bán hàng ngoại, mập mờ nguồn gốc xuất xứ, hàng Trung Quốc kém chất lượng. Đến những hội chợ ấy hàng trong nước không nhiều, trong khi đó đập vào mắt các cháu là hàng giả, hàng nhái sẽ ảnh hưởng lớn đến tư duy sau này. Bởi các cháu không chỉ là thế hệ tiêu dùng tương lai của hàng Việt, mà có thể cũng chính là chủ nhân của những thương hiệu Việt mạnh trong tương lai” - chị Minh Anh bày tỏ.

Được biết, hơn 20 doanh nghiệp ngoài việc trực tiếp bày bán các sản phẩm bình ổn, giảm giá còn thực hiện ký kết nhằm phân phối sản phẩm cho hệ thống trường học. Bên cạnh dụng cụ học tập, quần áo, giày dép... các doanh nghiệp thực hiện ký kết đưa sản phẩm thực phẩm phục vụ hệ thống căngtin, bếp ăn phục vụ học sinh, chủ yếu là các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Q.Tân Bình.

Theo ban tổ chức, thời gian tới mức độ kết nối sẽ được mở rộng hơn ở quy mô các trường học và đa dạng sản phẩm, doanh nghiệp. Bà Nguyễn Ngọc Hải Yến, phó trưởng Phòng kinh tế Q.Tân Bình, cho biết đơn vị là kênh cầu nối khi khảo sát chi tiết nhu cầu của các trường học. Qua đó đưa đến danh sách doanh nghiệp Việt bình ổn thị trường để phía trường lựa chọn, tiến hành kết nối, đàm phán cung ứng sản phẩm.

Đơn vị rất muốn mô hình được nhân rộng ra những quận, huyện khác nhằm đem lại bữa ăn an toàn, đủ chất dinh dưỡng để phát triển thể chất của trẻ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với sản phẩm Việt chất lượng tốt từ nhỏ hun đúc cho thế hệ tiêu dùng tương lai tinh thần ưa chuộng hàng Việt. Những thương hiệu Việt uy tín sẽ đi cùng và in đậm suốt tuổi thơ cũng như hành trình lớn khôn của trẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Tùng, trưởng phòng kinh doanh Công ty CP văn hóa Nhân Văn, cho biết ngày hội kết nối không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng cũng như việc khách hàng chọn mua được sản phẩm bình ổn, giảm giá, có chất lượng. Qua đó hàng Việt nói chung có kênh phân phối trực tiếp, vững chắc, góp phần đánh bật hàng ngoại, tạo tâm lý chuộng hàng Việt cho thế hệ tiêu dùng tương lai.

Theo Tuổi Trẻ
Bình luận của bạn