Chỉ dẫn địa lý giúp cho nông sản Việt vào Nhật dễ hơn
Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về Chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản), ngày 2/6, được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho nông sản hai nước tiếp cận thị trường của nhau.
Tính đến ngày 31/5, Việt Nam đã bảo hộ cho 55 chỉ dẫn địa lý (CDĐL), trong đó có 49 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có CDĐL nào được bảo hộ tại Nhật Bản, cũng như chưa có CDĐL nào của Nhật Bản được bảo hộ tại Việt Nam.
Trong số 49 CDĐL được bảo hộ, có 22 CDĐL là sản phẩm quả. Trong số những sản phẩm quả đã được bảo hộ CDĐL có rất nhiều sản phẩm tiềm năng, đã và đang xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản như Xoài Cát Hòa Lộc, Thanh Long Bình Thuận, Vú Sữa Lò Rèn…
Hiện nay, Nhật Bản là thị trường có nhiều tiềm năng đối với nông sản của Việt Nam bởi chúng ta có 3 yếu tố hội tụ gồm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt – Nhật được triển khai đồng bộ từ năm 2010 đến nay trong đó điểm quan trọng của Hiệp định này là giảm thuế mạnh mẽ các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào Nhật Bản; sự ưa chuộng nông sản nhiệt đới của thị trường Nhật Bản; nhu cầu nhập khẩu nông sản của Nhật Bản gia tăng do tỷ lệ nông nghiệp ngày càng nhỏ đi trong cơ cấu GDP của quốc gia này.
Với những cơ hội như vậy, việc hợp tác với Nhật Bản trong việc thúc đẩy bảo hộ lẫn nhau về CDĐL đóng vai trò quan trọng để các sản phẩm đặc sản có tiềm năng xuất khẩu sang Nhật của Việt Nam như hoa quả, thủy sản, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tạo dựng thương hiệu, kênh phân phối vào thị trường Nhật Bản.
Sự trao đổi và thúc đẩy về mặt kinh nghiệm, xây dựng thể chế sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn kĩ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến CDĐL, tạo sự thuận lợi để tiếp cận vào thị trường khó tính như Nhật Bản.