Chủ động đưa hoạt động ngành Công thương phát triển
Cùng với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, Sở Công thương Phú Yên đã và đang phối hợp với các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp, dốc toàn lực thực hiện các giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh.
Công nghiệp - thương mại phát triển ổn định
Những năm qua, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công thương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương liên quan và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp ngành Công thương vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu… của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước.
Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và của ngành Công thương nói riêng vẫn phải đương đầu với không ít khó khăn đã tác động lớn đến một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: Giá đường thế giới và trong nước giảm sâu dẫn đến việc tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều; chế biến thủy sản xuất khẩu cũng gặp khó do bị châu Âu rút thẻ vàng...
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua chương trình hội thảo chuyên đề xuất khẩu và cải thiện chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; làm việc với doanh nghiệp theo từng ngành hàng để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin các hội chợ, triển lãm, giao thương trong và ngoài nước đến cộng đồng doanh nghiệp…
Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Bộ Công thương và UBND tỉnh, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, kịp thời tham mưu đề xuất nhiều giải pháp và chính sách cụ thể với những nhiệm vụ trọng tâm như: Cải thiện môi trường đầu tư, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy nội lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước; các công tác quản lý về lĩnh vực Công thương tiếp tục được tăng cường; hoạt động khuyến công được triển khai kịp thời; hạ tầng công nghiệp, thương mại được đầu tư, nâng cấp. Các hoạt động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường mang lại hiệu quả thiết thực, giúp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định.
Bên cạnh đó, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy hoạt động công nghiệp - thương mại của tỉnh trong những tháng đầu năm 2018 có sự tăng trưởng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 9.120 tỉ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tăng cao như khai thác mỏ tăng hơn 12%, chế biến thủy sản tăng 23,3%, may mặc tăng 18,48%, sản xuất và phân phối điện nước tăng 14,42% so với cùng kỳ…
Bên cạnh đó, nhờ tăng cường tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn, triển khai các giải pháp bình ổn giá cả, thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… nên tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, giá cả hàng hóa ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng trên 16%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,76% so với cùng kỳ năm 2017. Những kết quả trong 6 tháng đầu năm sẽ tạo đà cho ngành Công thương Phú Yên hoàn thành kế hoạch cả năm 2018.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu
Thời gian tới, Phú Yên cũng như cả nước sẽ chịu nhiều tác động khi quá trình hội nhập kinh tế thế giới diễn ra ngày càng sâu rộng, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết. Trước những thách thức đó, ngành Công thương Phú Yên đang tập trung thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành.
Theo đó, đơn vị chú trọng phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý theo ngành và từng lĩnh vực. Đơn vị tăng cường chỉ đạo phát triển nhanh các nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển gồm: Chế biến nông, lâm, thủy hải sản; dược phẩm; dệt may; sản phẩm từ công nghệ mới; công nghiệp phần mềm và nội dung số; hóa chất; năng lượng; thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp.
Trong lĩnh vực thương mại, ngành cũng đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng, chiến lược. Mặt khác, Sở Công thương tiếp tục thu hút các dự án đầu tư hạ tầng thương mại, đặc biệt là các trung tâm thương mại có quy mô, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích để hình thành các kênh phân phối văn minh, hiện đại phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sở Công thương Phú Yên sẽ tham mưu cho Bộ Công thương và UBND tỉnh các quy hoạch, cơ chế chính sách để phát triển ngành; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các hoạt động như đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm... để giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm hàng Việt đến với người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm Việt Nam.
Xác định sự phát triển của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng tác động đến sự lớn mạnh về kinh tế - xã hội của tỉnh và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đơn vị đã và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát để đơn giản hóa và cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; nâng cao chất lượng hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử Phú Yên để phục vụ tốt hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời cung cấp thông tin mới cho người dân, doanh nghiệp qua trang thông tin điện tử của sở.
Ngoài ra, sở luôn đồng hành với doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay… Đồng thời tham mưu lãnh đạo tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để doanh nghiệp đang hoạt động tiếp tục ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút nhiều doanh nghiệp mới đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.