Chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu

Việc Việt Nam gia nhập và thực thi nội dung cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là dấu ấn quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, thuế suất của hầu hết các sản phẩm/hàng hóa xuất khẩu đều từng bước lùi về 0% - là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng Việt sang các nước thành viên tham gia Hiệp định.


 

Để chủ động mở rộng xuất khẩu vào thị trường CPTTP, vấn đề đặt ra là phải tận dụng cơ hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp và hàng Việt trong cuộc thâm nhập vào các thị trường giàu sức mua. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương), Canada là nơi có khí hậu lạnh, có sức mua cao và nhu cầu liên tục đối với mặt hàng thủy sản, nông sản nhiệt đới. 

Bởi vậy, doanh nghiệp của ta cần nắm rõ các quy định, nhất là những quy định liên quan đến xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa để có thể thâm nhập, tiến tới duy trì sự hiện diện lâu dài ở thị trường này. 

Trong khi đó, thị trường Peru lại có thể tiếp nhận sản phẩm nội thất, xi măng và thị trường Mexico lại có thể nhập khẩu thủy sản, gạo của Việt Nam. Dư địa cho xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường nói trên nhìn chung còn khá lớn, có thể tận dụng để xuất khẩu một số loại hàng chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, linh kiện điện tử, giày dép...

Về mặt kỹ thuật, cộng đồng doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu, nắm bắt rõ những thời điểm cắt giảm thuế, ứng với thị trường cụ thể. Đơn cử, Canada cam kết xóa bỏ thuế cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Thủy sản và đồ gỗ - những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, được hưởng thuế suất 0% từ ngày 14-1 năm nay. Ngoài ra, gạo, chè, hạt điều... cũng đang đứng trước cơ hội có thể tăng cường thâm nhập thị trường này với thuế suất nói trên.

Ở góc độ cẩn trọng hơn, Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương) cho rằng, việc thực thi CPTPP làm xuất hiện một thị trường rộng lớn, là điều kiện tốt cho hàng Việt tăng cường xuất khẩu, dễ cạnh tranh với hàng cùng chủng loại của nước khác. 

Nhưng, vấn đề đáng lưu ý nhất đối với doanh nghiệp là làm sao chủ động phát huy được hết năng lực của mình; cần xác định được phân khúc thị trường, tính toán hết các tình huống, xác định vấn đề có thể gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu để xử lý, nhất là quy định pháp lý. 

Tóm lại, doanh nghiệp nên lưu ý thỏa đáng đến mục tiêu lợi nhuận thu về và giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm xuất khẩu chứ không hẳn là kim ngạch, hay doanh thu thuần túy...

CPTPP là tổ chức quy tụ nhiều quốc gia - thị trường thành viên, nhưng phần lớn đối tác đó đều có cơ cấu hàng hóa không tương đồng với hàng Việt. Từ đó, nhìn chung Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và điều này cũng lý giải vì sao các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn kinh tế thế giới... đều nhận định Việt Nam là nước nhận được nhiều lợi ích trong số các thành viên CPTPP.

Đương nhiên, tận dụng thời cơ được đến đâu vẫn phụ thuộc vào chính sự nỗ lực, hành động cụ thể của các doanh nghiệp. Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú (đơn vị chuyên xuất khẩu thủy sản), CPTPP có mang lại lợi ích, nhưng mỗi đơn vị cần chú trọng đến hàng rào phi thuế quan, việc lập hàng rào kỹ thuật của các nước để ứng phó trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thương trường quốc tế; đặc biệt là đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ. 

Mỗi đơn vị cần chủ động xây dựng phương án sản xuất hợp lý, trong đó đầu tư thỏa đáng cho công nghệ nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn và chất lượng của các nước nhập khẩu... Cần tạo dựng cách làm việc chuyên nghiệp, có khả năng làm chủ quy trình sản xuất tiên tiến và sự thay đổi liên tục để tồn tại, hiện diện trên thị trường thế giới.

Bình luận của bạn