Chung sức đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản
“Tại hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”, Thủ tướng phát biểu.
Sáng nay (30/07/2018) tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tổ chức Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và hơn 600 đại biểu là các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đối tác phát triển trong và ngoài nước.
Bức tranh nhiều màu sắc
Phát biểu khai mại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có Nghị quyết số 26 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đã khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cụ thể hóa Nghị quyết, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách quan trọng khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần chủ trì các hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hội nghị hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam (2016); Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (2017); Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam (2017); Diễn đàn phát triển thị trường cho ngành rau-củ-quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp-nông thôn (2017); đối thoại với nông dân Việt Nam về các vấn đề nông nghiệp, nông thôn (2018)…”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo số liệu thống kê hiện nay, cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; nhưng các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp với số lượng 7.600 doanh nghiệp; còn lại là các doanh nghiệp trong chuỗi các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến hàng; cung cấp nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp dịch vụ thương mại...
Về cơ cấu doanh nghiệp, có khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp tư nhân; còn lại là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Gần 50% doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp; hơn 35% trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; và hơn 15% trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp tập trung nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với tỷ trọng là 25%, và ít nhất ở miền núi phía Bắc là 7%.
Về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp trong ngành trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 1,08 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp trong ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp đạt 3,2 tỷ đồng lợi nhuận bình quân/năm.Trong khi đó, năng suất lao động ngành nông nghiệp của chúng ta còn hạn chế chỉ bằng khoảng 38% năng suất lao động bình quân chung cả nước và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực.
“Qua các số liệu trên, chúng ta có thể hình dung thực trạng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay giống như một bức tranh nhiều màu sắc, trong đó còn nhiều mảng màu cần làm cho tươi sáng hơn trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có một số khó khăn mà doanh nghiệp vẫn đang gập phải, như: Doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa được triển khai hiệu quả, còn thiếu sự ổn định; Doanh nghiệp còn khó tiếp cận tín dụng, trong khi thuế và phí chưa hợp lý. Doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, một phần do thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản trên đất nông nghiệp làm cơ sở xác định giá trị tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng.
“Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay phải nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi từ nước ngoài.Thị trường tiêu thụ không bền vững; chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn; chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nhân lực phục vụ cho nông nghiệp hiện nay đa số trình độ thấp, tính tự do, manh mún cao; chưa được đào tạo về tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi trồng thủy sản... chưa phát triển làm tăng chi phí cải cải tạo, chi phí vận chuyển, bảo quản hàng nông sản.
Cắt giảm 40%-50% thủ tục hành chính hiện hành
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để khắc phục những bất cấp trong hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan nhà nước, đến các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp.
Đối với các cơ quan nhà nước, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính và ban hành ở cấp nghị định; nghiên cứu cắt giảm 40%- 50% thủ tục hành chính hiện hành.
Nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định. Nghiên cứu, sửa đổi chính sách tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, cần ban hành chính sách đột phá về khoa học và công nghệ, khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ trong một số lĩnh vực chủ lực, như: giống cây trồng; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc...
Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp; Hỗ trợ đào tạo nông dân; lao động trong trang trại; lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã. Xây dựng và ban hành chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, kết nối với các doanh nghiệp nông nghiệp; thu hút người lao động có trình độ cao về hợp tác xã nông nghiệp.
Đối với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, cần nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Chính phủ; tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, chuyển tới các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thơi xử lý, giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, nỗ lực cùng Chính phủ và người dân Việt Nam chung sức đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công. Đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, phát huy vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã theo hướng sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.
“Việc hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn. Và nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng, thể hiện tiềm năng phát triển của nông nghiệp”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, nhất là trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.
“Tại hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”, Thủ tướng phát biểu.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 04/2018.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các doanh nghiệp có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ Công Thương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo với tinh thần chung là tạo mọi điều kiện cho thương mại, nhất là xuất nhập khẩu”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa, không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực làm tài sản bảo đảm…
“Cần tuyên chiến với nạn tín dụng đen ở nông thôn. Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp; say mê hơn nữa với nghề để thúc đẩy thành công.
“Tất cả chúng ta nỗ lực, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và người dân đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn”, Thủ tướng nói./.