Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia: Hiệu ứng lan tỏa
Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia đã thể hiện được tính lan tỏa trong thời gian qua, đặc biệt rõ nét trong năm 2019, góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy xuất khẩu và đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam lần đầu cán mốc 500 tỷ USD.
Thực chất và hiệu quả
Năm 2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt và thực hiện được 205 đề án thuộc Chương trình cấp quốc gia về XTTM với tổng kinh phí là 125 tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ, tính hết tháng 11, các đề án thuộc chương trình đã hỗ trợ hơn 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động XTTM tại Việt Nam và nước ngoài, thu hút hơn 1 triệu lượt khách thương mại đến tham quan giao dịch tại các sự kiện và thực hiện hơn 100.000 lượt giao dịch thương mại có khả năng đi đến đặt hàng/ký kết hợp đồng.
Tại buổi tổng kết Chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2019, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) - đánh giá, thông qua việc triển khai trực tiếp Chương trình XTTM quốc gia, năng lực của các cơ quan XTTM đã cải thiện đáng kể, tính chủ động và trách nhiệm được nâng cao; nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động XTTM được cải thiện và việc đầu tư cho hoạt động XTTM của các ngành hàng cũng như địa phương đã được chú trọng.
Theo thống kê của hải quan, trong 11 tháng/2019, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu quy chuẩn, chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...
Đáng chú ý, xuất khẩu Việt Nam đã mở rộng ra các thị trường có FTA như xuất khẩu sang Nga đạt 2,5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; New Zealand đạt 508,3 triệu USD, tăng 8%; Canada đạt 3,56 tỷ USD, tăng 29,9%... Sự tăng trưởng này thể hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu đã khai thác và tận dụng tốt các FTA để mở rộng thị trường, nhất là các thị trường đòi hỏi yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
Đặc biệt, năm 2019, chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hình thức XTTM mới thông qua thương mại điện tử. Bước đầu, chương trình đã hỗ trợ gần 60 doanh nghiệp kết nối với Amazon Global Selling – công ty thương mại điện tử toàn cầu.
Đa dạng hóa thị trường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu được xem là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của chính các doanh nghiệp, đồng thời có sự đóng góp của Chương trình XTTM quốc gia.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, trong thời gian tới, Ban Quản lý cần xây dựng các chương trình XTTM có tính dài hạn, bền vững; hoạt động XTTM cần được tổ chức phong phú, đa dạng hơn, tạo sự mới lạ thu hút các đơn vị tham gia cũng như tổ chức trong các chương trình.
Trong định hướng triển khai Chương trình XTTM quốc gia năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương tiếp tục triển khai nâng cao hiệu quả các hoạt động XTTM nhằm duy trì và phát triển thị trường trọng điểm, thị trường có FTA và phát triển thị trường mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới cách thức triển khai XTTM truyền thống theo hướng chuyên sâu, tăng cường các dịch vụ gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng hỗ trợ hoạt động XTTM mới qua môi trường kỹ thuật số, tiếp tục nghiên cứu triển khai hình thức trưng bày, giới thiệu và xuất khẩu hàng hóa qua sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng chiến lược quảng bá ngành hàng và đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền xuất khẩu trên các kênh quốc tế; triển khai các hoạt động đào tạo phát triển sản phẩm chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.