Cơ hội để nhà nông giới thiệu sản phẩm

Không chỉ có các mặt hàng nông sản như bơ sáp, mật ong rừng, dừa sáp..., mà nhiều sản phẩm do nông dân nhiều vùng, miền tự sáng chế cũng được giới thiệu với người dân TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu những sản phẩm của các nông dân tiên tiến cùng gặp nhau ở hội chợ nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hồ Chí Minh tổ chức tại công viên Lê Văn Tám (quận 1) từ ngày 10 đến 16-4.

Với chủ đề “Thành tích nông dân xuất sắc thời hội nhập - Nông nghiệp đô thị và giao thương kinh tế vùng Đông Nam Bộ 2017”, hơn 300 gian hàng của nông dân các vùng, miền đã đua nhau giới thiệu những "đặc sản" của riêng mình.

Vui vẻ mời khách hàng thử các loại bánh tráng đặc sản quê nhà, chị Huỳnh Thị Tuyết Nga (quê Bình Định) cởi mở: “Lần đầu mình vào thành phố tiếp thị sản phẩm nên run lắm, không biết người dân ở đây có chấp nhận sản phẩm của mình hay không. Nhưng thật bất ngờ, ai cũng thích thú với những chiếc bánh tráng được làm hoàn toàn thủ công với hương vị rất đặc trưng này”. Gian hàng có đủ các loại từ bánh tráng mè, bánh tráng nước dừa cho đến bánh cốm, bánh gạo lức… Khác với bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh) hay Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), bánh tráng Bình Định có độ dày và hương vị riêng, bánh tráng mè có vị bùi; bánh tráng nước cốt dừa nướng có vị ngọt, béo và hương thơm của hành phi… Bánh tráng được pha tỷ lệ bột mì và bột gạo riêng tùy theo nhu cầu sử dụng và làm hoàn toàn thủ công, qua câu chuyện của chị Nga, thì đây không còn là món ăn nữa mà trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo.

Gắn bó 20 năm với cây bơ sáp, ông Dương Mã Dưỡng (nông dân Bình Phước) không làm người tiêu dùng thất vọng với các sản phẩm của mình. Những trái bơ sáp chắc nịch, bổ ra vàng ươm, cơm dày, béo ngậy, hạt nhỏ xíu… Ông Mã Dưỡng kể, để có được thành quả này, ông đã trải qua bao thăng trầm, thất bại, nhưng chưa lúc nào ông nản chí. Với ông, tạo ra những trái cây ngon, sạch là động lực để vươn lên. “Tôi muốn tạo ra giống cây bơ cho trái thơm ngon, béo ngậy, hạt nhỏ để người dân được thưởng thức thứ trái cây chất lượng, thơm ngon mà giá thành lại không quá cao”, ông bộc bạch. Hiện, các thị trường như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... rất thích sản phẩm của ông, nhưng vì nguồn hàng không đủ cho nên ông đã phải từ chối nhiều đơn hàng.

Tại hội chợ, các loại nông cụ cũng được rất đông khách hàng quan tâm. Nông dân Lê Phước Lộc (tỉnh Tiền Giang) giới thiệu các sản phẩm kéo cắt tỉa cành phục vụ người làm vườn trên cả nước. Ông Lộc hiện đang sở hữu ba bằng độc quyền kiểu dáng nông nghiệp, nhiều bằng khen về sáng chế phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động cho nông dân.

Anh Trần Anh Tùng (Đồng Nai) đã “trình làng” chiếc máy phun thuốc đa năng do anh sáng chế. Nhờ chiếc máy này mà việc sản xuất các nông sản của các nông hộ lân cận đạt hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Anh Tùng cho hay, muốn truyền tải thông điệp tới người làm vườn là hãy nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo những sản phẩm nông nghiệp tự chế từ những vật liệu có sẵn, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị, vừa thể hiện sức sáng tạo của nông dân.

Một tín hiệu vui là các nhà nông điển hình của nhiều vùng, miền đang dần “bắt tay nhau” cùng liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Chị Trần Ngọc Tuyết, nông dân xuất sắc của TP Hồ Chí Minh chia sẻ, chị đang có rất nhiều ý tưởng xây dựng hoa lan trở thành hình ảnh đại diện cho vùng đất thép Củ Chi. “Diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc áp dụng công nghệ để mang lại hiệu quả cao là cần thiết. Nhưng so với nhiều nước trong khu vực, nông dân trồng lan ở Củ Chi vẫn “tự bơi” là chính. Chính những hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ, chất lượng giống… đòi hỏi nông dân phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn, sản xuất theo chuỗi thì nông nghiệp mới đi lên vững mạnh”, chị Tuyết khẳng định.

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nông sản bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết thất thường và khủng hoảng đầu ra. Theo chủ trang trại Nấm Việt sạch Trần Thanh Tùng, nông dân Việt không thua kém ai, nhưng chưa có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin và các mô hình nông nghiệp tiên tiến. “Đã gọi là cùng liên kết để phát triển nông nghiệp, nông thôn thì không chỉ nông dân mà chính sách cũng phải đổi mới và kịp thời. Nếu Nhà nước hỗ trợ đầu ra sản phẩm, chúng tôi hoàn toàn có thể cho ra đời những loại cây trồng, vật nuôi bảo đảm chất lượng”, anh Tùng nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Hổ cho hay, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất thực phẩm an toàn. Trong năm 2017, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, trong đó thiết kế lô-gô, bao bì, đăng ký nhãn hiệu, quảng bá, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng cũng được triển khai với sự tham gia của các đơn vị cung - cầu trong chuỗi. Thành phố cũng hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất thực phẩm sạch tham gia chương trình “Mỗi nhà nông một website”. Đến nay, chương trình này đã hỗ trợ 27 đơn vị sản xuất thực phẩm an toàn xây dựng website riêng để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Bình luận của bạn