Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá tra

Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn nhất của VN và đã vượt qua Mỹ về nhu cầu nhập khẩu cá tra. Trung bình mỗi tháng Trung Quốc nhập từ 40 - 50 triệu USD...

Trái với cảnh báo về hiện tượng thương lái đang tìm mua cá cỡ nhỏ gây thiệt hại cho ngành cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, cho rằng đó là cơ hội lớn cho nông dân và ngành chế biến, xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn nhất của VN và đã vượt qua Mỹ về nhu cầu nhập khẩu cá tra. Trung bình mỗi tháng Trung Quốc nhập từ 40 - 50 triệu USD, bao gồm phi lê cắt miếng, phi lê còn da cắt miếng, cá phi lê và cá nguyên con xẻ bướm, rất đa dạng; trong khi thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu chỉ nhập cá phi lê. “Vấn đề hiện nay bắt nguồn từ nguyên nhân tài chính. Các thương lái mua cá cho Trung Quốc theo kiểu tiền trao cháo múc, mua xong trả tiền ngay. Trong khi các doanh nghiệp thường mua trước, trả sau. Dân sợ bán thiếu rồi không đòi được, vì đã có nhiều trường hợp bị mất tiền, nên chọn phương thức bán thẳng, lấy tiền mặt. Do đó dẫn đến những thông tin gây nhiễu kiểu như trên”, ông Minh lý giải.

Nông dân hưởng lợi

Để giải đáp câu hỏi vì sao Trung Quốc mua cá của VN với số lượng lớn, ông Minh cho biết gần đây ông đã đi Trung Quốc 3 lần khảo sát thị trường. “Đầu tiên là sản phẩm cá tra được đưa vào hệ thống nhà hàng và hệ thống bán lẻ tại các siêu thị. Thứ hai là họ đang thiếu hụt thủy sản nghiêm trọng. Bây giờ Trung Quốc không còn là nước xuất khẩu thủy sản nữa mà là nước nhập khẩu. Ví dụ như tôm nhập từ Ấn Độ, VN, Indonesia, Ecuador. Mực thì từ Argentina, Hàn Quốc, Bangladesh… và cá thì từ VN”, ông Minh phân tích.

Ngoài ra, theo ông Minh, Trung Quốc phát triển mạnh cá chép, cá rô phi nhưng bị dân chê vì cá chép xương quá nhiều. Vậy là họ chọn cá tra vì người già, trẻ con đều ăn được. “Phải xác định nếu họ tiêu thụ sản phẩm cá tra thì đây là cơ hội để mình bán, vì hiện nay nhu cầu chất lượng của Trung Quốc là tương đồng, thậm chí cao hơn châu Âu. Cụ thể như châu Âu hiện yêu cầu độ ẩm 86%, còn Trung Quốc thì có 2 dạng: một là 86% và cao cấp hơn là 85%, đi vào hệ thống chế biến và tiêu thụ của nhà hàng”, ông Minh nói.

Đặc biệt, theo ông Minh, thị trường Trung Quốc còn có một dạng được tiêu thụ rất mạnh, đó là con cá tra xẻ bướm để bán rộng rãi dưới hình thức cá quay: nướng lò. Sản phẩm này được bán ngoài phố và tại các trường học, bán nguyên con chứ không bán ký và người mua đứng cầm ăn tại chỗ. “Đây chính là lý do họ mua cá tra loại nhỏ, từ 0,4 tới 0,6 kg/con. Hiện nay, giá giao dịch loại cá này từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Nếu họ có nhu cầu lớn thì đây là cơ hội tăng vòng quay nuôi trồng cho nông dân. Ví dụ, thay vì nuôi con cá 1 kg thì phải mất một năm, con cá 0,6 kg chỉ mất thời gian 6 tháng. Nếu xét về hiệu quả kinh tế và quy ra tương đồng thì cá loại này giá bán cao hơn thị trường châu Âu và Mỹ, bởi vì 1,1 kg cá cho ra 1 kg thành phẩm, trong khi cá phi lê phải mất 2,3 kg mới ra 1 kg thành phẩm. Như vậy, hiệu quả tốt hơn cho nông dân, vì nuôi cá nhỏ hệ số thức ăn thấp, giá thành thấp. Cũng với 5.000 ha mặt nước nhưng nếu quay được 2 vòng sẽ khác với một vòng”, ông Minh phân tích.
 

Bình luận của bạn