Cơ hội lớn cho xuất khẩu rau quả sang thị trường Á - Âu

Nông sản Việt Nam phong phú nhưng xuất khẩu còn hạn chế, đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo về xuất khẩu rau, hoa quả và những chuyển động mới từ thị trường Á - Âu.

Thị trường Á-Âu là những thị trường quan trọng cho xuất nhập khẩu rau hoa quả của Việt Nam, có tới 8 nước và vùng lãnh thổ trong TOP TEN thị trường xuất khẩu rau hoa quả và 6 nước và vùng lãnh thổ trong TOP TEN thị trường nhập khẩu rau hoa quả.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã được ký tại Hà Nội. Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Ông Willem Schoustra - Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan cho biết, khi EVFTA và IPA được ký kết, thị trường châu Âu nói chung và Á, Âu nói riêng là thị trường tiềm năng vô cùng lớn của Việt Nam vì họ cần rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. 

Bà Lê Thị Mai Anh – Trưởng phòng, Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi cho biết, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam được xuất đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó tổng dung lượng của thị trường rau quả thế giới hàng năm khoảng 240 tỷ USD, như vậy cơ hội cho hàng rau quả của Việt Nam còn rất lớn. 

Giai đoạn 2011-2018, rau quả là một trong những ngành hàng xuất khẩu ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp Việt Nam, với mức tăng 26,5%/ năm. Năm 2018 đạt 3,81 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2017, như vậy mặt hàng rau quả đã vượt các mặt hàng như gạo, hạt tiêu, chè trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Các chuyên gia cho rằng nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng xuất khẩu còn nhiều hạn chế, để đưa nông sản Việt vào thị trường châu Âu nói chung và thị trường Á, Âu nói riêng, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là an toàn thực phẩm, xây dựng nền sản xuất bền vững, đặc biệt để làm được điều đó phải giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu không an toàn.

TS Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, EVFTA và IPA cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, trước mắt, thị trường trọng điểm nhất của chúng ta là Trung Quốc, người dân và các công ty Trung Quốc rất thích tiêu tụ hàng của Việt Nam vì nông sản Việt Nam ngon và rẻ. Việt Nam ở gần Trung Quốc nên chi phí vận chuyển không cao, "họ thích mua hàng Việt Nam nhưng các thủ tục truy xuất nguồn gốc mình làm chưa nhiều nên ảnh hưởng đến số lượng, kinh ngạch. Nhu cầu của Trung Quốc rất cao về tiêu thụ trái cây Việt Nam, phải làm sao để đưa hàng Việt Nam qua Trung Quốc được nhiều và đáp ứng được yêu cầu" - ông nói.

“Các doanh nghiệp phải từng bước trang bị kiến thức, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Triển lãm và hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam) là cầu nối lý tưởng để doanh nghiệp rau, quả Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, công nghệ cũng như tiếp cận khách hàng”, TS Lê Thành Hòa nhấn mạnh.

Bình luận của bạn