Cơ hội xuất khẩu gạo sang thị trường Senegal
Theo Hiệp hội Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), dự kiến năm 2019, Senegal sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 15% so với năm ngoái vì sản xuất lúa tại thung lũng sông Senegal giảm trong năm nay.
Nguyên nhân là sản xuất lúa tại thung lũng sông Senegal không được tốt, khiến sản lượng giảm khoảng 100.000 tấn trong năm nay.
Do luôn bị hạn hán đe dọa nên sản xuất lương thực của Senegal chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước. Mỗi năm nước này vẫn phải nhập khẩu từ 700.000 - 800.000 tấn gạo trong đó hơn 90% là gạo tấm.
Năm 2018, sản xuất lúa của Senegal chỉ đạt 600.000 tấn và phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo, dù vẫn giảm 12,1% so với năm 2017, theo FAO.
Senegal là thành viên Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) thành lập năm 1975.
ECOWAS có Biểu thuế quan đối ngoại chung (TEC) áp dụng kể từ ngày 1/1/2015 đối với các nước không phải là thành viên.
Các loại thuế nhập khẩu thóc gạo trong khuôn khổ TEC gồm thuế hải quan (10% với gạo và 5% với thóc); phí thống kê (1%); thuế hội nhập cộng đồng (0,5%). Ngoài ra còn có loại thuế VAT áp dụng tùy theo quốc gia.
Tại Senegal, ngoài các loại thuế kể trên còn có Thuế cho Hội đồng các chủ hàng (COSEC) là 0,2%. Thuế VAT được áp dụng ở một mức duy nhất là 18%. Nếu gộp các loại thuế, có thể tính như sau:
- Đối với thóc, thóc giống: Thuế nhập khẩu là 7,7%, thuế VAT là 18%.
- Đối với gạo trắng, gạo lức: Thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%.
- Đối với gạo tấm: Thuế nhập khẩu là 12,7% đối, thuế VAT là 18%.
- Các loại gạo khác: Thuế nhập khẩu là 12,7% đối, thuế VAT là 18%.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Senegal đạt 24.963 tấn, kim ngạch 8,18 triệu USD.
Đến năm 2018, con số này giảm mạnh chỉ còn 7.351 tấn, kim ngạch 3,2 triệu USD, vì Senegal chuyển sang mua gạo tấm của Ấn Độ, Thái Lan và Brazil, có giá bán rẻ hơn và do chính phủ Senegal đẩy mạnh việc thực hiện chương trình tự túc lương thực trong đó có việc phát triển lúa nước.