Cơ hội xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Trung Đông - châu Phi
Những năm gần đây, nhiều nước Trung Đông - châu Phi đang tích cực tăng cường hợp tác với các quốc gia, các nền kinh tế đang lên ở châu Á.
Từ năm 2010 đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Đông - châu Phi tăng hơn 3,5 lần, từ 5 tỷ USD lên 18 tỷ USD năm 2017. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã kịp thời nắm bắt những cơ hội đến từ hai thị trường này. Theo các chuyên gia, tiềm năng hợp tác của hai bên hiện còn rất lớn.
UAE, mảnh đất sa mạc thịnh vượng giàu dầu mỏ. Khí hậu khắc nghiệt, nông sản nơi đây chủ yếu là nhập khẩu, vì thế doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội để xâm nhập thị trường. Một ví dụ thành công cần phải nhắc đến, đó là Hapro với mặt hàng gạo. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2018, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro đã làm việc, giao dịch với 2 chuỗi siêu thị lớn tại UAE để cung cấp trực tiếp 50 container gạo phân phối tại nước này cũng như tại các nước trong khu vực Trung Đông và châu Phi khác.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp muốn làm ăn tốt ở các nước Trung Đông - châu Phi cần phải nghiên cứu tìm hiểu thị trường tốt, từ đó đưa ra chiến lược phát triển có hiệu quả.
Theo thống kê, các mặt hàng nhập khẩu của Trung Đông và châu Phi từ trước đến nay đều là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Đây cũng là thị trường duy nhất mà Việt Nam xuất siêu trong nhiều năm liền. Mặc dù vậy, chỉ khi doanh nghiệp có được chiến lược dài hạn cho việc phát triển sản phẩm cùng với sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, thì khả năng khai thác thị trường Trung Đông - châu Phi mới thực sự hiệu quả và đa dạng.