Cơ hội xuất khẩu trực tiếp hàng Việt qua kênh phân phối AEON Nhật Bản

Hàng dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe là những sản phẩm sẽ được Tập đoàn AEON đẩy mạnh thu mua từ Việt Nam để xuất khẩu qua Nhật Bản.

Chỉ khoảng 10% nhà cung cấp có khả năng đưa hàng vào AEON Nhật Bản

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON Nhật Bản do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn AEON Nhật Bản tổ chức tại TP HCM ngày 23/4.

Cụ thể, tại hội thảo, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty AEON Topvalu Việt Nam cho biết, xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản tăng trưởng tốt trong những năm qua nhưng có tới khoảng 70% các sản phẩm này là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam.

Còn với AEON, trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam chỉ có khoảng từ 200 - 300 doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản.

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao, đặc biệt là các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng như dệt may, dày dép, thủy sản, nông sản, thực phẩm, đồ nhựa, gỗ…

Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đang ưu tiên nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng này của doanh nghiệp Việt Nam để phân phối đến hệ thống các cửa hàng, siêu thị của AEON trên toàn cầu.

"Hàng hóa bán ở hệ thống của chúng tôi đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Bản thân tôi mong muốn các doanh nghiệp có mặt hôm nay có thể thắng được cuộc đua này", ông Yasuo Nishitoghe chia sẻ.

Đại diện AEON Việt Nam cho biết thêm các sản phẩm nông sản, thủy sản và hàng tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá tích cực về chất lượng song doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đúng qui trình, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. 

"Đơn cử như trái xoài, xoài Việt Nam rất ngon, chiếm vị trí hàng cao ở thị trường trong nước nhưng nếu so sánh với Philippines hay Thái Lan thì hiện vẫn chưa thể cạnh tranh tốt bằng họ", ông Yuichiro Shiotani chia sẻ.

Đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị Nhật Bản

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, vào tháng 10/2018, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản đã kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Theo đó, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Tập đoàn AEON sẽ lấy việc gia tăng tỉ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống AEON tại Việt Nam và khu vực làm mục tiêu, đồng thời cam kết đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON trên toàn cầu đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỉ USD vào năm 2025.

"Tháng 6/2019 chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng AEON tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản. Với những hỗ trợ này thị trường của Việt Nam đã rất rộng mở và các doanh nghiệp cần có sự nỗ lực để tận dụng", bà Hiền cho biết thêm.

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty AEON Topvalu Việt Nam cho hay, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng của AEON tại Việt Nam mà còn trở thành nhà cung ứng cho hệ thống hơn 1.000 siêu thị AEON trên toàn cầu, Tập đoàn AEON đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt với nhiều hoạt động mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống.

Đồng thời, AEON cũng từng bước hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất của nhà cung ứng Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn của AEON và riêng thị trường Nhật Bản; hỗ trợ tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng Nhật và tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống tại Nhật Bản và các nước.

Ngoài ra, tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã giới thiệu giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án đưa hàng Việt Nam vào các hệ thống phân phối nước ngoài.

Theo đó, VPBank sẽ tài trợ các khoản vay chiết khấu Bộ chứng từ xuất khẩu theo thư tín dụng, tỉ lệ chiết khấu là 98% bộ chứng từ; cấp vốn tín chấp lên đến 5 tỉ cho doanh nghiệp mà không cần tài sản đảm bảo. Đối với doanh nghiệp bán hàng trong nước theo phương thức trả chậm, VPBank cấp vốn lên đến 90% giá trị hóa đơn VAT, với thời gian cho vay tối đa 4 tháng.

Chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng vào hệ thống AEON của Nhật Bản, ông Ngô Viết Trung, đại diện Tập đoàn Phú Bảo Group cho biết để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ phía AEON, đơn vị đã đổi mới máy móc, đào tạo nâng cao nhân lực. Bên cạnh đó, việc cập nhật cải tiến phải liên tục được triển khai xuyên suốt từ lãnh đạo đến nhân viên, nhằm đưa chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

"Với thị trường Nhật Bản, chất lượng sản phẩm phải tốt là điều đương nhiên, giá cả cạnh tranh là lợi thế nhưng chất lượng môi trường làm việc và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng là điều không thể thiếu, ngay cả những vấn đề nhỏ như bao bì, ghi nhãn sản phẩm cũng cần được lưu ý và tuân thủ một cách nghiêm ngặt".

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thảo Hiền cho rằng, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản là rất lớn nhưng đây cũng chính là thị trường đòi hỏi những yêu cầu chất lượng thuộc hàng khắt khe nhất thế giới. 

Do đó, muốn đưa hàng hóa vào AEON riêng, xuất khẩu vào Nhật Bản nói chung, "các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương tự đến từ nhiều doanh nghiệp khác trên khắp thế giới", bà Hiền nhấn mạnh.

Bình luận của bạn