Công nghệ Map: Nâng cao chất lượng quả vải
Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) vừa phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang công bố “Kết quả công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP)”.
TS. Phạm Thị Thu Hà- Viện Hóa học (VAST)-cho biết: Với màng bọc MAP, sau 35 ngày bảo quản ở 4oC, quả vải vẫn bảo đảm giá trị thương phẩm, mức độ tổn thất dưới 10%. Việc kéo dài thời gian bảo quản tồn trữ vải thiều đã mở ra cơ hội xuất khẩu quả vải sang các thị trường gần như: Malaysia, Singapore, Australia bằng đường biển thay vì đường hàng không với chi phí cao. Ưu điểm của công nghệ MAP là đơn giản chi phí thấp (chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/1kg vải), dễ sử dụng, phù hợp cho mục đích chiếu xạ theo quy định của một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia.
Còn theo TS. Trịnh Đức Công- Thành viên nhóm nghiên cứu: Sau nhiều năm nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, đến nay VAST đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ chế tạo màng MAP với dây chuyền thiết bị hiện đại. Đặc biệt, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhựa an toàn thực phẩm, không chứa bất kỳ phụ gia độc hại nào ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng không thua kém các sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc, Thái Lan, Australia.
Vải thiều Lục Ngạn là loại quả có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu lớn, tuy nhiên do thời vụ vải quá ngắn, khả năng bảo quản và vận chuyển rất kém khiến quả vải khó “đi xa”. Chi phí vận chuyển cho xuất khẩu qua đường hàng không thường lại cao. Một đặc điểm nữa là sau khi thu hoạch, quả vải từ màu đỏ hồng hấp dẫn nhanh chóng chuyển sang màu nâu, làm giảm giá trị thương phẩm. Để xử lý vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được thời điểm thu hái quả vải, xử lý trong dung dịch axit hữu cơ có pH=3 để ức chế hoạt động của enzyme PPO nhằm ổn định màu vỏ quả, xác định được loại bao gói MAP phù hợp, không có hiện tượng đọng nước như các loại bao gói khác, kết hợp với nhiệt độ, độ ẩm tối ưu nhờ đó có thể bảo quản quả vải thiều Lục Ngạn tối đa 35 ngày, thời gian dài gấp 2-3 lần so với dùng màng PE.
Trao đổi với phóng viên về khả năng thương mại của MAP, ông Hà Quý Quỳnh- Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ - (VAST) - cho biết: Hiện tại, công nghệ MAP còn mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên trên thế giới, MAP được ứng dụng khá phổ biến ở cả dạng bảo quản chất đống, bao bì vận chuyển và bao bì bán lẻ. Một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản đã phát triển các loại bao bì “thông minh” có chức năng thông tin đến người tiêu dùng về tình trạng cũng như chất lượng của thực phẩm bên trong bao bì. Do vậy, tôi tin rằng, tiềm năng thương mại của MAP là rất lớn bởi MAP do VAST sản xuất có giá thành chỉ bằng 55-60% so với các sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc hay Israel. Bên cạnh đó, MAP có thể ứng dụng cho bảo quả các sản phẩm rau, củ, quả khác của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản sau thu hoạch, để nông sản Việt Nam có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế nhiều hơn đặc biệt là quả vải thiều. Hiện chúng tôi đã nộp hồ sơ đăng ký Bằng Độc quyền sáng chế về công nghệ bảo quản vải thiều Lục Ngạn bằng bao gói MAP và đã được chấp nhận đơn.