Củng cố vị thế hàng hóa Việt Nam
Thực tế cho thấy, Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu; vị thế của hàng hóa có xuất xứ trong nước ngày càng được củng cố vững chắc. |
Tại chợ Bến Thành (quận 1), nếu như trước đây tỷ lệ hàng Việt Nam ngang bằng với hàng hóa các nước khác thì hiện nay, đã có hơn 90% các mặt hàng bày bán tại chợ có xuất xứ trong nước. Thống kê từ Ban Quản lý chợ Bến Thành cho thấy, toàn bộ thương nhân đang kinh doanh đều đăng ký tham gia phong trào “Người kinh doanh mới”, với nội dung: “Cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả mạo; bảo đảm thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm; ưu tiên kinh doanh hàng Việt”. Tại đây, thịt heo, bò, gia cầm, thủy sản đều có nguồn gốc trong nước, bảo đảm tươi sống. Dù trái cây từ Thái-lan nhập về đang cạnh tranh gay gắt, nhưng tại các vị trí trưng bày tốt, các cửa hàng cũng dành không gian ưu ái cho trái cây Việt Nam. Trực tiếp ghi nhận thực tế, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố yêu cầu Ban Quản lý chợ Bến Thành tích cực hơn nữa trong việc quảng bá, tuyên truyền kinh doanh buôn bán hàng Việt Nam vì chợ là nơi xứng tầm để lan tỏa cuộc vận động tới người dân, du khách. Chợ Bến Thành không chỉ là địa điểm kinh doanh thuần túy, mà nơi đây còn là thương hiệu của TP Hồ Chí Minh. Du khách nước ngoài đến chợ chỉ mong mua được hàng hóa, quà lưu niệm Việt Nam chứ không đến để tìm hàng hóa ngoại nhập. Khảo sát tại Hợp tác xã rau Phước An (huyện Bình Chánh), Ban Chỉ đạo ghi nhận trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao rõ rệt, chuyển hướng đầu tư công nghệ cao vào sản xuất. Việc toàn bộ rau xanh tại đây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho các hệ thống siêu thị trong nước, giúp người tiêu dùng dễ dàng dùng rau, củ, quả giá rẻ, sạch, an toàn theo tiêu chuẩn người Việt Nam. Theo báo cáo của Ban Quản lý chợ Tân Bình, trước đây, chợ chủ yếu kinh doanh vải, nhưng vài năm gần đây thì sản lượng quần, áo Việt Nam may sẵn đã chiếm ưu thế. Nhờ công tác tuyên truyền, hàng Việt Nam đã chiếm hơn 80% tại các quầy sạp. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng đóng nhãn mác, thương hiệu hàng trong nước vào sản phẩm, nhờ vậy có thể đưa vào trong hệ thống cửa hàng, siêu thị. Tại Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đơn vị chủ lực cung ứng mặt hàng trứng gia cầm các loại cho thị trường và cho chương trình bình ổn thị trường của thành phố, chủ doanh nghiệp này khẳng định, nhờ hiệu ứng từ Cuộc vận động, công ty đã có nhiều thuận lợi trong việc liên kết với các đối tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho các hộ nông dân… Hiện, công ty đã cung ứng hơn 300 nghìn quả trứng gà/ngày, đủ sức cạnh tranh với trứng gia cầm của các công ty có vốn FDI. Để khắc phục việc nguồn điện không ổn định và thiếu hụt lao động am hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố lưu ý chính quyền quận 12 cùng ngành điện khắc phục các sự cố và mở lớp đào tạo tay nghề cho công nhân giúp các doanh nghiệp, trong đó có Vĩnh Thành Đạt để các doanh nghiệp Việt Nam an tâm sản xuất, chăn nuôi. Từ năm 1997, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ tiên phong của cả nước triển khai Chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao”. Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Saigon Co.op đã nâng cấp chương trình thành “Tự hào hàng Việt” với quy mô đầu tư không ngừng tăng mỗi năm. Theo Giám đốc Marketing Saigon Co.op Đỗ Quốc Huy, hiện tỷ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị toàn quốc là hơn 90%; trong đó tỷ lệ thực phẩm Việt Nam an toàn là hơn 95%. Theo định hướng của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Saigon Co.op tiếp tục duy trì và phát triển với quy mô tương đương tập đoàn, nhằm hỗ trợ ngành bán lẻ có khả năng chi phối thị trường trong nước, dần vươn ra khu vực, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ nhằm bảo vệ và nâng cao uy tín hàng hóa Việt Nam. Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, đồng chí Võ Thị Dung yêu cầu cần tiếp tục gắn liền cuộc vận động với các chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường… Cuộc vận động đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất đưa ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, quan tâm hơn việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ… Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Sức cạnh tranh chưa cao; một số ngành nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu Việt Nam uy tín; chưa có kinh nghiệm về marketing trên các kênh truyền thông; một vài doanh nghiệp còn vì lợi ích riêng tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu… Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố cần xác định rõ nội dung, đối tượng cần tập trung tuyên truyền; phối hợp Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp nâng cao chất lượng trong việc tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm; phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy vai trò tuyên truyền, cũng như lắng nghe ý kiến phản ánh để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa. Các cơ quan báo, đài cần nghiên cứu và phối hợp các sở, ngành để đề xuất đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền hiệu quả… |