Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh: Cộng hưởng và lan tỏa
Sau 9 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã lan tỏa hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ, tạo sức cộng hưởng cho các chương trình khác như bình ổn thị trường, kết nối cung - cầu…, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của TP. Hồ Chí Minh.
Cả hệ thống cùng tiếp sức
TP. Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện hiệu quả CVĐ, đưa hàng Việt “phủ sóng” mọi nơi, mọi lúc. Theo bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, CVĐ có sự chung sức của cả chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong đó, ngành Công Thương thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích, vận động các DN tham gia trưng bày hàng hóa tại các hội chợ triển lãm; đưa hàng vào chợ đầu mối, chợ truyền thống, hệ thống phân phối. Trong 10 tháng đầu năm 2018, Sở đã tổ chức, mời gọi, hỗ trợ DN các địa phương tham gia 228 hội chợ, triển lãm trên địa bàn thành phố; 79 hội chợ, triển lãm tại các địa phương, trở thành hoạt động thiết thực, hiệu quả để triển khai CVĐ.
Đặc biệt, thành phố có hệ thống phân phối phát triển mạnh với 40 trung tâm thương mại, 193 siêu thị, 240 chợ truyền thống, hơn 890 cửa hàng tiện lợi tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống duy trì từ 65 - 95%. Con số này không chỉ phản ánh vị thế của hàng Việt mà còn khẳng định độ tin tưởng của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Bên cạnh kênh phân phối, hàng Việt còn tiếp tục lan tỏa thông qua nhiều chương trình khác nhau, đến với mọi đối tượng, từ thành thị đến vùng ven. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng lưu động đã được tổ chức, huy động nhiều đối tượng cùng tham gia với cách làm sáng tạo, giúp bà con vùng nông thôn hoặc công nhân, sinh viên tiếp cận với hàng hóa chất lượng cao.
Các DN cũng nhiệt tình hưởng ứng CVĐ thông qua việc tham gia các chương trình bình ổn. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương - cho hay, đến nay, mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt con số 10.817, tăng 513 điểm bán so với năm 2017. Riêng hàng lương thực, thực phẩm bình ổn có 4.209 điểm bán. Chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%.
Sáng tạo trong cách làm
Bước sang năm thứ 10, TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều nét mới trong việc triển khai CVĐ. Sở Công Thương vừa có tờ trình gửi UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương xây dựng Chương trình "Chắp cánh hàng Việt". Theo đó, để hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố sẽ thống nhất tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa, giúp định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.
Cùng quan điểm, bà Bích Châu cho hay, năm 2019, thành phố cần thực hiện Chương trình “Hàng Việt chinh phục người Việt” nhằm chuyển biến nhận thức của DN từ “được ưu tiên, khuyến khích” sang hướng “chủ động” chinh phục người tiêu dùng bằng các nội dung trọng tâm. Cụ thể, khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư khoa học - công nghệ tạo ra các sản phẩm, hàng hóa hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn; đầu tư nghiên cứu thị trường.Bà Bích Châu cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa nội địa. Đặc biệt, để tạo niềm tin của người tiêu dùng, cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…