Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Tiếp tục triển khai mạnh mẽ

Các ngành và địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Lương Mộng Sanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, đã trao đổi với Báo Phú Yên. Đồng chí cho biết: 

Qua 6 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, thu được những kết quả tốt. Cuộc vận động đã khơi dậy ý thức tự tôn dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… Đặc biệt, người dân đã có thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì lựa chọn hàng ngoại. Người dân ở các vùng nông thôn cũng đã bắt đầu quen sử dụng và ưa chuộng hàng hóa sản xuất trong nước. Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tỉ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra các cơ sở này chiếm khoảng 90%).

* Để đạt được những kết quả trên, trong năm 2015, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã thực hiện các biện pháp gì, thưa đồng chí?

- Thực hiện Kết luận 107-KL/TW của Ban Bí Thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chỉ thị 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2015, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy đảng quán triệt các nội dung trên, triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường hướng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; ưu tiên công tác giám sát thị trường cũng như việc tạo lập kênh phân phối hàng Việt… Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đã có 66 lượt doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, tổng giá trị hàng hóa bán ra hơn 402 triệu đồng. 6 tháng cuối năm, các đơn vị cũng đã thực hiện 14 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, triển khai 2 mô hình thí điểm là Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” tại TP Tuy Hòa và huyện Sơn Hòa. Sở Công thương cũng đã tiếp nhận, theo dõi 374 chương trình khuyến mại với tổng giá trị hơn 285,4 tỉ đồng. Ngoài ra, vấn đề quản lý, chấn chỉnh công tác kiểm soát thị trường cũng luôn được quan tâm. Ngay từ đầu năm 2015, các lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường chống buôn lậu, kiểm tra và xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, cấm, không rõ nguồn gốc; thường xuyên thanh kiểm tra việc kinh doanh hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá…

Các đơn vị truyền thông của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời thông tin, phản ánh về thị trường, biến động giá cả, cung cầu hàng hóa; đặc biệt là giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu với những nỗ lực trong việc thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Việt.

Để phát huy hiệu quả, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác thuyết phục, vận động. Ở đây phải kể đến vai trò của các tổ chức, hội, đoàn thể của tỉnh. Trong năm, các đơn vị đẩy mạnh tổ chức các phong trào, lồng ghép nội dung cuộc vận động vào các hội thi, sinh hoạt; xây dựng các kế hoạch tuyên truyền; vận động, khuyến khích cán bộ, nhân viên trong đơn vị cùng thực hiện…

Người tiêu dùng chọn hàng Việt trong một hội chợ tổ chức ở TP Tuy Hòa - Ảnh: V.PHÊ

* Trong thời gian đến, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ được thực hiện như thế nào?

- Nhằm tăng cường tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dịp Tết Bính Thân 2016, lập thành tích kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên toàn tỉnh có hành động cụ thể hưởng ứng mạnh mẽ đợt phát động tháng cao điểm đầu năm 2016 về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các đơn vị sẽ tổ chức quảng bá hàng Việt, thực hiện “Tuần lễ vàng” khuyến mại, giảm giá sản phẩm… để kích thích sản xuất, tiêu dùng. Các đơn vị cũng quán triệt từng cán bộ, đảng viên, nhân viên về ý thức, phát huy vai trò gương mẫu trước nhân dân; vận động người dân sử dụng hàng Việt khi có nhu cầu mua sắm, tham gia đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai các chương trình, hoạt động gắn với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc phát huy hiệu quả cuộc vận động. Ban chỉ đạo sẽ tổ chức giám sát, kiểm tra tại các đơn vị, cơ sở về việc thực hiện công tác này, nhằm góp phần thúc đẩy cuộc vận động ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực.

Bình luận của bạn