Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng VN”: Vai trò của cấp ủy, chính quyền ngày càng giảm
Đó là một trong những nhận định được đưa ra tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến Cuộc vận động vẫn chưa đạt được như mong muốn là do tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tình trạng buôn lậu, mất VSATTP còn xuất hiện nhiều trên thị trường. Các sản phẩm trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường được ưu đãi bởi được sản xuất từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tình trạng hàng giả xuất xứ nhãn mác “sản xuất tại Việt Nam”, tem chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” chưa được kiểm soát chặt chẽ gây hoang mang, lo lắng, làm mất niềm tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng tương tự được sản xuất trong nước.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trăn trở, hiện nay công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để, thậm chí có doanh nghiệp lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi. Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng; chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chưa dành nguồn lực thích đáng cho quảng bá hàng hóa, dịch vụ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, hàng Việt Nam phát triển như thế này là góp phần tăng niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Thường trực Ban Bí thư cũng đánh giá, dù đạt được nhiều kết quả song việc triển khai còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành các cấp chưa quan tâm đúng mức triển khai cuộc vận động. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, điều đáng buồn khi vai trò của cơ quan tổ chức đối với cuộc vận động đang giảm đi. Chính quyền năm 2014 là 67%, 2019 là 63%; Cấp ủy năm 2014 là 68%, năm 2019 xuống 62%; Mặt trận năm 2014 là 64% thì năm 2019 là 54%; Phụ nữ năm 2014 là 63%, 2019 còn 58%. Những con số này đòi hỏi cần phải cố gắng hơn nữa. Bên cạnh đó, vai trò các hiệp hội, ngành nghề trong thực hiện cuộc vận động chưa cao, nhiều doanh nghiệp cơ sở chưa thực sự hưởng ứng. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đổi mới nhiều, một số chương trình quảng cáo hàng Việt trên báo chí chưa bảo đảm định hướng…