Đà Nẵng: Hơn 450 gian hàng tham gia hội chợ hàng Việt và hàng nông sản an toàn
Từ 14-19/12, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng diễn ra “Hội chợ Hàng Việt và Hội chợ nông sản an toàn thực phẩm Đà Nẵng 2017” với 450 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp, đơn vị trong cả nước tham gia
Khai mạc “Hội chợ Hàng Việt và Hội chợ nông sản an toàn thực phẩm Đà Nẵng 2017” sáng 14/12
Trong đó có 130 doanh nghiệp hoạt động tại TP Đà Nẵng và 70 doanh nghiệp hoạt động tại các tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, tại hội chợ lần này có hơn 30 gian hàng của các Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại, các Chi cục quản lý các tỉnh, thành Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Đồng, KonTum, Cần Thơ, Tây Ninh, Tiên Giang, An Giang…
Theo ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, hội chợ lần này được UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo tổ chức nhằm tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời góp phần thực hiện Chương trình “TP 4 an” trên địa bàn Đà Nẵng.
Đây là năm thứ 7 liên tiếp, hội chợ “Hàng Việt Đà Nẵng” được tổ chức. Nhờ đầu tư làm tốt công tác tổ chức, trang trí, quảng bá nên hội chợ đã tạo được uy tín, thương hiệu đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn đồng hành cùng hội chợ trong suốt những năm qua, bên cạnh đó số doanh nghiệp tham gia mới lần đầu chiếm 25%, tương đương khoảng 50 doanh nghiệp.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng tham quan gian hàng gốm sứ Minh Long tại hội chợ
Đặc biệt, trong năm 2017, Đà Nẵng đã ký kết hợp tác cung cấp hàng nông sản an toàn với các tỉnh, thành Cần Thơ, Tiền Giang, Lâm Đồng. Nhằm cụ thể hóa tiêu chí an toàn thực phẩm (ATTP), đồng thời thực hiện Chương trình “TP 4 an”, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức lồng ghép Hội chợ nông sản ATTP vào Hội chợ Hàng Việt Đà Nẵng 2017.
Sản phẩm hàng hóa tham gia hội chợ gồm hàng công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủ công mỹ nghệ, thời trang, thực phẩm bánh kẹo, đồ uống, bia rượu, nước giải khát, dược phẩm, các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng các vùng miền… Bên cạnh đó là các sản phẩm dịch vụ như du lịch, văn phòng, giáo dục, ngân hàng, ẩm thực…
Trong đó, các mặt hàng nông sản ATTP hướng tới các sản phẩm nông lâm thủy sản tươi sống được sản xuất kinh doanh tại các đơn vị được chứng nhận VietGAP hoặc cơ sở đủ điều kiện ATTP; và các sản phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến, gồm sản phẩm bao gói sẵn (được công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định và phải có nhãn hàng hóa), sản phẩm không bao gói sẵn (được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện ATTP và có thông tin về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm).