Đà Nẵng: Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Trao bằng khen cho các 18 điển hình tiêu biểu thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ như quảng bá, tuyên truyền, tổ chức hội chợ, kết nối cung cầu hàng Việt, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đổi mới công nghệ, xây dựng chợ văn minh thương mại,…., cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thành phố Đà Nẵng đã dần đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Tỷ lệ người tiêu dùng thành phố ưu tiên sử dụng hàng Việt đã đạt hơn 85%, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, tăng nguồn thu nội địa cho ngân sách thành phố.Sáng 14/11, tại Đà Nẵng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa Việt chất lượng cũng như ưu tiên phân phối hàng hóa Việt vào các hệ thống, kênh phân phối bán lẻ, xúc tiến các hoạt động kết nối hàng Việt, phối hợp cùng Sở Công Thương thực hiện các chuyến hàng Việt.....Ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho cuộc vận động, UBND TP Đà Nẵng đã trao bằng khen cho 13 tập thể là doanh nghiệp, trung tâm XTTM và 5 cá nhân.
Cuộc vận động đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng
Còn ông Phan Hải, Giám đốc Công ty Giày BQ chia sẻ: Doanh nghiệp như Chúng tôi được hưởng lợi nhiều từ cuộc vận động nhờ được hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm, thương hiệu đến với người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp Việt với nhau, chúng tôi có cơ hội và sức ép cạnh tranh để tự đổi mới mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại mở như hiện tại, để cạnh tranh sòng phẳng, cần phải có sự vào cuộc và nỗ lực nhiều hơn nữa của các cơ quan hữu quan để kiểm soát chặt chẽ được nguồn gốc hàng hóa và xử lý được những hàng hóa không đảm bảo chất lượng.Là một trong các doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc công ty Hương Quế cho rằng, để cuộc vận động đạt hiệu quả, trước hết, bản thân các doanh nghiệp và nhà phân phối phải đóng vai trò tiên phong. “Doanh nghiệp và nhà phân phối phải sản xuất kinh doanh có trách nhiệm, đúng pháp luật, hướng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt Nam có sản xuất được sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý thì chắc chắn sẽ được người tiêu dùng trong nước ủng hộ và đón nhận; nhà phân phối có ưu tiên phân phối những sản phẩm đó thì người tiêu dùng mới dễ tiếp cận.” ông Sơn nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Công Trí – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, trong thời gian qua, cuộc vận động đã được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Tuy nhiên, để hàng Việt xác lập và khẳng định được chỗ đứng của mình ở “sân nhà”, Cuộc vận động cần phải được tiến hành kiên trì, lâu dài gắn với phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lương, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, các chương trình, hoạt động hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp Việt cần coi trọng các giải phát phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng tốt và giá cả hợp lý để khuyến khích người tiêu dùng. Sở Công Thương và các đơn vị liên quan cần triển khai tích cực hơn nữa các hoạt động bán hàng khuyến mãi, bán hàng bình ổn giá, các phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, khu dân cư, khu công nghiệp nhất là trong các dịp lễ tết, mùa mưa bão…