Đan Mạch muốn hợp tác phát triển chuỗi sản phẩm heo an toàn

Đan Mạch là nước nổi tiếng về phát triển đàn heo chất lượng, năng suất nhất thế giới và muốn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để phát triển chuỗi sản phẩm heo an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam.

Sáng nay, 4-5, Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch, bà Ulla Tørnæs đã đến thăm chợ Ngọc Hà, Hà Nội và trực tiếp chứng kiến việc tiêu thụ thịt heo tươi sống tại chợ. Dù đây là tập quán ăn uống của người dân Việt Nam, nhưng theo bà Ulla Tørnæs, đây cũng chính là thách thức đối với Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

“Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm thì khả năng truy xuất nguồn gốc là một yếu tố quan trọng vì nó cho chúng ta biết sản phẩm đó đến từ đâu, được sản xuất như thế nào để có thể tránh được những sự cố đáng tiếc”, bà Ulla Tørnæs nói.

Bà Ulla Tørnæs cũng đã đến thăm chuỗi sản xuất chăn nuôi khép kín của Dabaco, một trong những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này có 60 công ty con và 10% trong số đó đạt công ty nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT của Dabaco cho hay, hiện nay giá heo đang giảm thê thảm do nguồn cung đã vượt nhu cầu tiêu thụ, trong khi sản phẩm thịt heo trong nước lại chưa thể xuất khẩu được.

Theo ông So, Dabaco đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo kiểm soát chuỗi dịch bệnh tốt. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh cũng đã cung cấp đất cho dự án trên nhưng để có được công nghệ, kỹ thuật cho nhà máy giết mổ hiện đại này là không hề đơn giản. Do đó, Dabaco mong muốn sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, và đặc biệt là khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Đan Mạch để hoàn thành dự án trong thời gian ngắn nhất.

Theo bà Ulla Tørnæs, Đan Mạch là nước có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tốt nhất thế giới và có khả năng truy xuất nguồn gốc. Do đó, Đan Mạch sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong phát triển chuỗi chăn nuôi heo an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc. Nhưng để xây dựng được chuỗi này, Việt Nam cũng cần đưa ra một số quy định, đặc biệt là khả năng thi hành quy định đó.

Về khả năng tiếp cận tài chính, bà Ulla Tørnæs cho hay, do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên quan hệ hợp tác giữa Đan Mạch và Việt Nam đã sang giai đoạn mới là quan hệ hợp tác chiến lược trong một số lĩnh vực như an toàn thực phẩm và không còn là hợp tác hỗ trợ phát triển truyền thống như trước.

Bình luận của bạn