Đẩy mạnh phát triển logistics để tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn”, do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chiều 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành rau quả Việt Nam có tiềm năng rất lớn và đã có tốc độ tăng trưởng mạnh, xuất khẩu của ngành hàng này đã vượt lúa gạo, dầu khí. Thủ tướng đặc biệt lưu ý về bất cập hạ tầng, nhất là logistics với tính cạnh tranh còn thấp.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nêu kết quả tích cực của ngành rau, củ, quả Việt Nam trong năm 2017. Theo Bộ trưởng, năm nay ngành rau, củ, quả Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao 45% so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu gạo mặc dù diện tích trồng chỉ bằng 40%. Tuy xuất khẩu đã tăng lên nhưng hiện kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ mới bằng 1% thị phần rau quả thế giới. Điều này cho thấy, tiềm năng của ngành này là rất lớn rất lớn.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu tính chung toàn ngành nông lâm thủy sản, trong năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 36 tỉ USD, với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra rằng, việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau củ quả Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do kém cạnh tranh so với các nước. Điều này xuất phát từ việc hạ tầng logistics chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, dẫn đến chi phí logistics rất cao.
Phân tích cụ thể, TS. Bùi Quốc Nghĩa-, Viện trưởng Viện logistics Việt Nam- cho hay, một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới là chi phí logistics quá cao. Cụ thể, tỉ trọng chi phí logistics trên GDP ở Việt Nam là 20,8%, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 15,4%, Thái Lan là 10,7%, trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương 13,5%, châu Âu 9,2%, Bắc Mỹ 8,6% và mức trung bình của thế giới là 11,7%.
Trong báo cáo “Thị trường logistics Việt Nam 2017”, StoxPlus cũng đưa ra nhận định, ngành logistics Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, vị trí địa lý kéo dài hàng ngàn cây số trên trục Bắc - Nam, hoạt động thương mại sôi động với tổng giá trị giao dịch 350 tỷ USD vào năm 2016 là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng vận tải trong những năm tới. Tuy nhiên, rào cản lớn hiện nay là cơ sở hạ tầng kém phát triển, mạng lưới đường bộ quá tải, làm tăng nguy cơ chậm trễ và sự cố.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, trong xu thế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay, các nhà đầu tư, đối tác thương mại uy tín trong cả hai lĩnh vực logistics và ngành rau củ cần phải đưa ra giải pháp phát triển ngành rau, củ, quả và hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp- nông thôn.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngành chức năng tập trung hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, bao gồm cả vùng nguyên liệu vào nhà máy chế biến, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để làm sao giảm bớt tầng lớp trung gian, đặc biệt là chính sách coi trọng doanh nghiệp, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, trong đó có tổ hợp tác và hợp tác xã.
Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề cải thiện nhanh chóng hơn dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng rau củ quả nói riêng và nông sản nói chung. Không thể đi mãi lối mòn sản xuất manh mún, tự phát, chạy theo năng suất, chất lượng kém, xuất khẩu thô mà cần có cách làm mới, bài bản hơn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức trong việc phát triển thị trường và sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để bắt kịp trình độ khu vực của thế giới.