Để đưa nông sản vào các KCN
Với 760 doanh nghiệp đang hoạt động tại 9 KCN tập trung của tỉnh, sử dụng hơn 231,3 nghìn lao động, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm phục vụ cho lực lượng lao động này hàng năm cần khoảng 14.500 tấn gạo; hơn 12.800 tấn thịt gia súc, gia cầm; hơn 19,1 triệu quả trứng và khoảng 27.342 tấn rau, củ quả tươi các loại.
Ngoài ra còn có nhiều nhà máy chế biến thực phẩm như Orion, Vinasoy… cần sử dụng lượng lớn về đậu tương, khoai tây, trứng gà. Trong khi đó năng lực cung cấp của các cơ sở sản xuất trong tỉnh năm 2016 là gần 439 nghìn tấn lúa; sản lượng thịt hơi xuất chuồng (gia cầm và lợn) hơn 92,4 nghìn tấn; 4.200 tấn cá các loại… Tuy nhu cầu về nông sản phục vụ KCN rất lớn và nguồn cung dồi dào, nhưng các đơn vị trong tỉnh mới cung ứng được khoảng 30% sản lượng các loại nông sản cho các KCN trong tỉnh. Nguyên nhân chính do thiếu thông tin và định hướng về nhu cầu, dẫn đến cung chưa gặp cầu.
Để nông sản của nông dân Bắc Ninh sản xuất được đưa vào các KCN, Ban Quản lý các KCN, Sở NN và PTNT, Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức chương trình “Kết nối tiêu thụ lương thực, thực phẩm trong các KCN” hồi đầu tháng 4 vừa qua. Chương trình đã thu hút được sự tham gia của hơn 50 đơn vị đại diện cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp cung cấp xuất ăn, bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp trong KCN, điển hình như Samsung, Orion, Vinasoy, Canon, Seojin Vina… và các HTX sản xuất rau an toàn, lúa VietGap, thủy sản, gia súc, gia cầm. Trên cơ sở đánh giá những hạn chế, vướng mắc trong quá trình kết nối sản xuất và tiêu thụ, tại diễn đàn này nhiều nút thắt cung- cầu bước đầu được tháo gỡ, mở ra cánh cửa để sản phẩm nông nghiệp của Bắc Ninh phục vụ chính các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong khuôn khổ chương trình các đơn vị đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin về nhu cầu thu mua và năng lực sản xuất. Những cơ sở sản xuất cùng loại sản phẩm (gia súc, gia cầm, rau xanh, trứng, thủy sản…) và các đơn vị thu mua sản phẩm tương ứng cùng ngồi lại bàn thảo. Theo đó, các cơ sở sản xuất. HTX giới thiệu năng lực cung cấp các mặt hàng nông sản như: Gạo VietGap, thịt lợn, gia cầm, trứng, rau, củ quả các loại… còn các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp cung cấp xuất ăn, bếp ăn tập thể các KCN cung cấp thông tin về nhu cầu tiêu thụ, quy trình mua/bán hàng. Công ty TNHH và dịch vụ ăn uống Ba Sao được thành lập từ tháng 1 năm 2005, sau hơn 12 năm hình thành và phát triển đã ngày càng khẳng định được tên tuổi là một trong những Công ty hàng đầu miền Bắc và của cả nước về lĩnh vực cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp và nhà hàng. Hiện đơn vị là đối tác tin cậy cung cấp hơn 180.000 suất ăn mỗi ngày cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của thế giới đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tại các KCN Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… với các thương hiệu danh tiếng như: Honda, Yamaha, Panasonic, Hoya, Samsung, Microsoft, Inax, Tenma… Theo bà Võ Thị Túy Hà, Giám đốc Công ty, mỗi ngày Công ty tiêu thụ 16 tấn gạo, 3 tấn cá, 32 nghìn quả trứng, 4 tấn rau, củ, quả… đây là nguồn nguyên liệu lớn mà tại Bắc Ninh chưa có đơn vị nào đủ khả năng đáp ứng về số lượng. Nếu các cơ sở sản xuất của tỉnh liên kết để có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, chúng tôi sẽ luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm của các nhà cung cấp tại địa phương.
Về phía các nhà cung cấp, ông Nguyễn Chí Sơn, đại diện HTX NN TH Cao Sơn (thôn Đoài, Tam Giang, Yên Phong) chia sẻ thông tin của đơn vị mình: HTX chuyên trồng các loại rau, củ, quả quy mô 4,5 ha, sản lượng bình quân đạt 300 tấn/năm. 14 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn, đơn vị luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, hàng năm lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu đều bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm của đơn vị đã được cấp chứng chỉ ATTP, hiện cung ứng khoảng 150 tấn cho Công ty Hương Việt Sinh và một số doanh nghiệp chuyên phục vụ cho các bếp ăn tập thể ở các trường học của thành phố Hà Nội. Còn gần 150 tấn bán ở thị trường tự do, vì vậy đơn vị mong muốn ký hợp đồng cung ứng với các doanh nghiệp trong KCN và sẵn sàng sản xuất theo đơn đặt hàng.
Cơ sở sản xuất thực phẩm Hà Anh (Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh), là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đậu phụ truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm vừa giữ được hương vị truyền thống, vừa bảo đảm tiêu chí ATTP. Sản lượng 3.000- 3.500 tấn/ngày, đơn vị hiện là đối tác của nhiều công ty cung cấp xuất ăn công nghiệp cho các bếp ăn tại các KCN như: Goerteck; Daeitech, Elitecom, Mitav, Quảng Phát, Nhật Thành…
Nhiều thông tin cung- cầu được chia sẻ tại diễn đàn, qua đó giúp khâu sản xuất từng bước tiếp cận gần hơn với khâu tiêu thụ, giảm các chi phí trung gian. Điều này được thể hiện bằng việc ngay sau kết thúc chương trình có nhiều văn bản ghi nhớ được ký kết. Điển hình là đại diện Công ty TNHH Welstory Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ về cung ứng lương thực, thực phẩm với cơ sở chăn nuôi Yên Bình (Hòa Tiến, Yên Phong) cung cấp trứng gà; Công ty TNHH và dịch vụ ăn uống Ba Sao ký kết với HTX nuôi trồng thủy sản Minh Tiến (Trung Kênh, Lương Tài), chuyên cung cấp cá rô phi, điêu hồng, cá lăng với sản lượng 400 tấn/năm…
Ông Nguyễn Đức Cao, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh đánh giá: Với mong muốn là cầu nối giúp các doanh nghiệp KCN đến gần hơn với các cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh, Ban Quản lý các KCN phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức diễn đàn này. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp thu mua và các cơ sở sản xuất trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin, là tác nhân tích cực thúc đẩy cung tiệm cận với cầu. Qua đó giúp kết nối cung-cầu được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện hơn, góp phần giảm chi phí khâu trung gian, thúc đẩy sản xuất phát triển. Cũng thông qua diễn đàn này giúp các cơ sở sản xuất cần nhận thức lại chiến lược sản xuất của đơn vị mình, chủ động hợp tác, liên kết để xây dựng các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ các KCN. Trong đó chú trọng doanh nghiệp thực hiện chức năng trung gian thu mua sản phẩm, có sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất và nơi tiêu thụ bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.