Để hàng Việt 'giữ chân' người tiêu dùng

Đánh giá về kết quả của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ), nhiều chuyên gia cho rằng, dù người tiêu dùng (NTD) lựa chọn hàng hóa xuất xứ Việt Nam tăng mạnh theo các năm, song tỷ lệ này vẫn thấp và thiếu ổn định.

Đưa hàng Việt về nông thôn - một trong những chương trình đạt hiệu quả cao của ngành Công Thương
 

Tỷ lệ dùng hàng Việt giảm

CVĐ đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp (DN) nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh, thực sự thay làm đổi thói quen mua sắm của NTD Việt Nam. Tuy nhiên, dường như lòng tin của NTD vào sản phẩm thương hiệu Việt đang có xu hướng giảm sút. Kết quả khảo sát trên quy mô lớn với 17.300 phiếu khảo sát từ NTD cả nước trong năm 2017 được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) thực hiện cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường xuyên mua sản phẩm trong nước đã giảm so với kết quả đợt khảo sát năm 2016; mức giảm tương ứng 27% và 32%.

Trong khi đó, kết quả khảo sát, bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố chỉ ra rằng, hàng hóa có xuất xứ từ các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần nổi lên trong sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt. Cụ thể, nếu năm 2017, sản phẩm xuất xứ từ 3 quốc gia này được NTD thường mua chiếm tỷ lệ dưới 3% thì nay đã tăng lên 8 - 10%; các sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống tăng khá cao, tới 12 - 17%.

Theo dự báo, cùng với việc các DN bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc gia tăng chiếm lĩnh thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua hoạt động thâu tóm hệ thống siêu thị (Thái Lan có Mega Market với 19 siêu thị; B'smart với 75 cửa hàng tiện lợi; Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim…; Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart, 7-Eleven; Hàn Quốc có hệ thống siêu thị Lotte, Emart…), việc NTD Việt dành sự quan tâm cho hàng hóa của các quốc gia này tại thị trường trong nước sẽ tiếp tục gia tăng.

Cần có giải pháp tổng hợp

Phân tích sâu hơn, các chuyên gia cho rằng, tâm lý của đa phần NTD Việt Nam là quan tâm đến chất lượng và giá hàng hóa hơn là xuất xứ. Rõ ràng, không dễ dàng để thuyết phục được NTD chỉ bằng việc vận động, kêu gọi, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi.Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng, chúng ta không thể chỉ "kêu gọi suông" người Việt dùng hàng Việt để chứng tỏ lòng yêu nước của mình. 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần phải có những giải pháp tổng hợp từ chính sách của nhà nước, DN sản xuất, kinh doanh; trong đó, các DN phải cải tiến, thích ứng với thị trường từ cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh về giá và chất lượng hàng hóa, có văn hóa ứng xử với NTD trong mua - bán, bảo hành sản phẩm, hậu mãi… thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, ngắn hạn.

Với vai trò, chức năng được giao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của NTD cùng với những tiêu chí phù hợp để nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tạo tiền đề giúp liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, đưa hàng hóa tới vùng sâu, vùng xa.

Bình luận của bạn